A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Chủ động, kiên quyết, nghiêm minh hơn nữa

Bài 2: Chủ động, kiên quyết, nghiêm minh hơn nữa

 

Cách mạng Việt Nam từ khi hình thành đến nay luôn gặp phải sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong môi trường hòa bình, ổn định hiện nay, sự chống phá ấy thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội, sự phá hoại phi quân sự mà điển hình là chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Để thực hiện, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tăng cường thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sử dụng lợi ích vật chất để mua chuộc, móc nối cán bộ, đảng viên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường sử dụng các ứng dụng của mạng Internet, đã lập hàng nghìn trang web, blog, trang Facebook, Fanpage, Youtube, hàng trăm cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh, truyền hình có trụ sở, máy chủ ở nước ngoài nhằm tuyên truyền, tác động tiêu cực vào tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên để xuyên tạc, vu khống tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thông tin không đúng sự thật về những vụ việc “nóng” trong xã hội nhằm tạo sự hoài nghi, gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch âm mưu tạo dựng lớp người, nhất là thế hệ trẻ có tư tưởng thân Mỹ và phương Tây, ưa chuộng giá trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế có một bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, niềm tin, niềm tự hào vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa; có tư tưởng “sính ngoại”, đua đòi theo những trào lưu văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam...

Trong nội bộ, tình hình tham nhũng, tiêu cực diễn ra phức tạp theo chiều hướng nghiêm trọng hơn; đối tượng vi phạm thuộc nhiều thành phần, lĩnh vực, giữ chức vụ cao ở các cấp, các ngành gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một số cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chưa gương mẫu trong tu dưỡng và rèn luyện... dẫn đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chưa thực sự hiệu quả.

Với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch cùng với tình hình thực tế trong nội bộ, đồng thời dưới tác động của tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, dự báo tình hình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên đang công tác trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, khó nhận diện hơn, tuy nhiên các biểu hiện vẫn tập trung vào 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ như Nghị quyết số 04- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra.

 

Trong thời gian tới, để góp phần đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kế hoạch số 03- KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55/QĐ-TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và các văn bản khác liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; để sớm nhận diện, đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng gắn với giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Lấy mức độ tuân thủ và chấp hành tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, ý thức tổ chức, kỷ luật, các quy chế, quy định của Đảng, của cấp uỷ, chi bộ là tiêu chí quan trọng để đánh giá lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp rất quan trong trong việc chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Hai là, tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; đây là điều kiện tiên quyết trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa”. Vì mọi sự mơ hồ, xem nhẹ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, Cương lĩnh của Đảng đều là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng, trong xã hội. Hơn nữa, nhận diện biểu hiện trên không khó, nó diễn ra ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng; để phòng ngừa, ngăn chặn, các cấp ủy đảng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc, kiên định hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; quá trình tuyên truyền, giáo dục, cần tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, giá trị của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Khi thấy những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu nảy sinh ở cơ quan, đơn vị mình, phải thể hiện rõ thái độ bất bình, dũng cảm đấu tranh. Mọi sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc nể nang, né tránh đồng nghĩa với việc dung túng, bao che để chúng có điều kiện nảy sinh, tồn tại và phát triển.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhất là trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật. Xử lý đồng bộ về kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hình sự đối với các sai phạm về kinh tế, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Bốn là, tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; người đứng đầu phải nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, đảng viên công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, sai phạm.

Năm là, Các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời đưa tin phản ánh vụ việc tiêu cực, sai phạm, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật. Quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí có “bản lĩnh, liêm chính”, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục sẽ có những diễn biến phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa cá nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta.

Ở trong nước, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát tiển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức nhất là tác động của suy thoái kinh tế, tài chính, những tiêu cực và tệ nạn xã hội, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo,… làm ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần của Cương lĩnh chính trị, các văn kiện quan trọng khác mà Đại hội XIII của Đảng vừa quyết định đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Do đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực cao hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Công tác nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên đang công tác trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, phức tạp, lại chịu sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực. Vì vậy, muốn phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tự thân cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có tư duy sáng tạo, kiến thức, bản lĩnh vững vàng; phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

                                                                                               TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2021), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

2. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sái trái, thù địch trong tình hình mới.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2001, tr.86.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2012, tr.22, 23.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.185.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội, tập 1.

7. Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân dân ngày 16/5/2021.

 

 


Tác giả: Hoài Nhung