A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với tội phạm mua bán người qua đường dây lao động ở nước ngoài

Bộ Công an vừa có khuyến cáo người dân luôn cảnh giác, cân nhắc kỹ trước những lời mời chào đi lao động, làm việc ở nước ngoài để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đây là một vấn nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi, an toàn, danh dự của người lao động Việt Nam, cũng như uy tín và đối ngoại của đất nước.

Trong số liệu của Bộ Công an, trong quý III/2023, các đơn vị địa phương phát hiện, điều tra 85 vụ với 230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại điều 150, điều 151 Bộ luật hình sự; xác định có 224 nạn nhân bị mua bán. Riêng đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ 01/7/2023 đên 30/9/2023), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 234 đối tượng.

Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân trước khi muốn đi xuất khẩu lao động ở nước nào, cần phải tìm hiểu kỹ thị trường và những công ty, trung tâm xuất khẩu lao động của Nhà nước hoặc tư nhân được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài để được đảm bảo quyền lợi, tránh những trường hợp đăng ký ở những công ty, trung tâm chưa được cấp phép dẫn đến tiền mất, nhưng vẫn không được xuất cảnh đi lao động. Người dân cũng cần cẩn thận với những lời mời chào hấp dẫn, nhưng lại không có hợp đồng rõ ràng, không có sự bảo đảm của cơ quan chức năng, có thể là mánh khóe của các đối tượng, đường dây lừa đảo, mua bán người.

Trong thời gian xuất khẩu lao động ở nước ngoài, người lao động Việt Nam phải chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại và những điều đã ký kết trong hợp đồng, hết hạn hợp đồng phải về nước theo quy định, tránh trường hợp trốn ở lại, những trường hợp trốn ở lại nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ bị trục xuất về nước và bị cấm nhập cảnh trong khoảng thời gian nhất định tùy theo pháp luật mỗi nước.

Khi vướng vào các đường dây đưa người đi lao động “chui” ở nước ngoài và bị cơ quan nước ngoài bắt giữ, trước hết cần liên hệ ngay về gia đình để họ trình báo với cơ quan chức năng, tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân về nước. Sau khi về nước thì người lao động phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng địa phương để có hướng giải quyết tùy vào tính chất vụ việc.

Bộ Công an cũng đề nghị người dân, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hoặc số điện thoại đường dây nóng của cơ quan đại diện, tổng đài bảo hộ công dân: +84981.848484.

 


Tác giả: Hoàng Phúc