A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chống người thi hành công vụ và chế tài xử lý nghiêm minh

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc chống người thi hành xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hành vi côn đồ, coi thường pháp luật của các đối tượng nhằm vào lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ cần phải xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hành vi chống người thi hành công vụ thường xảy ra đối với các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm, thi hành án, thanh tra…, đặc biệt nguy hiểm, nghiêm trọng và thường xuyên nhất là hành vi chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông. Chỉ tính riêng đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, từ năm 2018 đến nay, toàn quốc xảy ra 72 vụ chống lực lượng Cảnh sát giao thông đang thi hành công cụ, làm 02 đồng chí hi sinh, 27 đồng chí bị thương. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 91 đối tượng bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Liên tiếp các vụ chống lực lượng Cảnh sát giao thông xảy ra vừa qua cho thấy mức độ vi phạm diễn biến phức tạp, tính chất côn đồ, hung hãn, liều lĩnh, bất chấp hậu quả của các đối tượng ngày càng tăng lên. Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 27/7/2019 tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Chiếc xe chở 200kg gốc gỗ hương và cẩm không có giấy tờ hợp pháp khi có hiệu lệnh của Tổ Cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ yêu cầu dừng lại kiểm tra đã không dừng lại và tông thẳng vào xe ô tô tải chuyên dụng của tổ công tác khiến đồng chí Đại úy Nguyễn Đức Nhã (cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Kông Chro) bị thương phải đi cấp cứu.

Kết quả hình ảnh cho chong nguoi thi hanh cong vụ

Xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật

Hậu quả do các hành vi chống người thi hành công vụ gây ra không chỉ gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của cán bộ thực thi nhiệm vụ mà còn gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, thể hiện thái độ coi thường luật pháp, coi thường sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Do đó, những hành vi này cần phải xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng xã hội kỷ cương, kỷ luật, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và lành mạnh phục vụ xây dựng, phát triển đất nước, ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg với những nội dung công tác trọng tâm nêu rõ: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân để người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi chống người thi hành công vụ. Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo dư luận xã hội lên án và đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi chống người thi hành công vụ, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và lực lượng thi hành công vụ. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, thiếu sót, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của người thi hành công vụ, Trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng thi hành công vụ đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đảm bảo ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho lực lượng thi hành công vụ. Quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng thực thi công vụ, nhất là các trường hợp bị thương hoặc hi sinh khi thi hành công vụ. Các cơ quan ban hành luật cần nghiên cứu, tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, bảo đảm thể hiện sự răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật…

Về chế tài hình sự, Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định rõ: Chống người thi hành công vụ là “hành vi người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật“, thì sẽ bị xử lý với hình phạt “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Ngoài ra, với các tình tiết tăng nặng: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Tăng cường tính phản biện xã hội, đấu tranh, lên án của dư luận quần chúng nhân dân và xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi chống người thi hành công vụ là những giải pháp cấp bách, cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng chống người thi hành đang liên tiếp xảy ra. Toàn xã hội hãy cùng chung tay với các lực lượng thi hành công vụ bảo vệ tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Khánh Vi