A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình, kết quả công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án liên quan tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong những năm qua xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công…

C:\Users\Administrator\Downloads\70821867_2474744729304974_4211975518385340416_o.jpg

Công an tỉnh Kon Tum làm việc với Đoàn Kiểm tra 215 Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Tham nhũng ở nước ta ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của Nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và phải thực hiện thường xuyên và đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được sự quan tâm của các cấp Ủy, chính quyền địa phương, Bộ Công an, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các giải pháp phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác phát hiện, khởi tố điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến tội phạm về kinh tế, tham nhũng xảy ra trên địa bàn theo quy định pháp luật; thường txuyên phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm… Qua đó, đã góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm về kinh tế nói riêng. Cụ thể:

Năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tiếp nhận 111 tin báo, tố giác về tội phạm tham nhũng, kinh tế. Tổng số vụ án/bị can khởi tố, điều tra là 99 vụ-112 bị can (Tham nhũng 03 vụ-04 bị can; 12 vụ án do cơ quan khác khởi tố vụ án chuyển đến Cơ quan điều tra để điều tra theo thẩm quyền). Ra quyết định không khởi tố 14 vụ. Đình chỉ điều tra 0 vụ – 0 bị can. Chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 50 vụ – 102 bị can. Đang điều tra 18 vụ – 11 bị can. Qua công tác điều tra, Cơ quan điều tra các cấp thụ lý 05 vụ – 10 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, thu hồi được 1.288.500.000/2.201.919.000 đồng tổng số tài sản bị thiệt hại do các tội tham nhũng, chức vụ gây ra.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, vướng mắc như sau: Tội phạm về kinh tế, tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công; việc huy động Nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức vì vậy chưa phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; một số bộ phận người dân còn e ngại trong việc tố giác hành vi tham nhũng, tội phạm kinh tế; trong một số vụ việc, vụ án gặp nhiều khó khăn trong việc xác định và lấy lời khai người làm chứng vì tâm lý né tránh; hầu hết các sai phạm về kinh tế, tội phạm về kinh tế, tham nhũng diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có những chứng cứ đã bị tiêu hủy, thất lạc… gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý; sự phối hợp của một số ban, ngành trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng chưa chặt chẽ, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra còn mang tính đối phó; đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra chuyên trách về án kinh tế, tham nhũng của Công an tỉnh còn thiếu về số lượng…

Thời gian tới Công an tỉnh sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác, đặc biệt là sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa Cơ quan điều tra với các Cơ quan thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác nghiệp vụ, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện sai phạm về kinh tế, tham nhũng để xử lý theo quy định; chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc còn tồn đọng; bổ sung điều tra viên, cán bộ điều tra và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ điều tra viên… để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong tình hình hiện nay.

Thái Ngân