A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng

Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) Công an tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương công tác lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về THAHS và tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

 

 

Đoàn kiểm tra số 2, Bộ Công an kiểm tra tại Cơ quan THAHS Công an tỉnh

Theo đánh giá chung, Cơ quan THAHS Công an tỉnh đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền của người chấp hành án; triển khai có hiệu quả các biện pháp để nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp, đột xuất xảy ra; bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương; ban hành các văn bản hướng dẫn đối với Cơ quan THAHS Công an cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện cơ bản đúng quy định công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng, từng bước xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội. Chủ động đưa các nội dung thực hiện biện pháp bảo đảm THNCĐ vào các kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và công tác dân vận của lực lượng Công an, cùng với đó đã huy động sự phối hợp giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) chưa tiến bộ tại cộng đồng dân cư để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Quản lý tốt đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng, đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về chấp hành án tại cộng đồng, người CHXAPT về địa phương cư trú để tổ chức tuyên truyền, thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ. Hiện nay đang quản lý: Án treo 178 đối tượng, Cải tạo không giam giữ: 58 đối tượng, Quản chế: 03 đối tượng, người bị kết án phạt tù còn ngoài xã hội: 12 đối tượng, CHXAPT về địa phương chưa được xóa án tích: 545 đối tượng. Thường xuyên kiện toàn và phát huy 02 mô hình trong công tác tái hoà nhập cộng đồng: Mô hình “Quỹ An ninh trật tự tỉnh Kon Tum” và mô hình Dân vận khéo “Tuyên truyền, vận động và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hoà nhập cộng đồng chăm lo phát triển kinh tế” trên địa bàn huyện Kon Rẫy.

Bên cạnh đó, còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung công tác về THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, còn tư tưởng xem đây là nhiệm vụ của lực lượng Công an nên “giao khoán trắng” công tác này cho Công an xã. Công an xã hiện nay là lực lượng nòng cốt, nhưng với khối lượng công việc rất lớn, quân số mỏng nên dẫn đến buông lỏng hoặc triển khai nhưng thiếu hiệu quả; việc tổ chức dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho người CHXAPT gặp nhiều khó khăn; số đối tượng trong diện THNCĐ đa số gia đình hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn làm ăn, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, quỹ từ thiện; công tác tuyên truyền, phố biến về mục đích, ý nghĩa của NĐ 49/CP, cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người CHXAPT chưa được quan tâm nhiều, sự phối hợp của cơ quan truyền thông với cơ quan chức năng còn hạn chế.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, dưới góc độ nghiên cứu cá nhân, tác giả xin đề xuất một số nội dung giải pháp sau:

Một là, quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, của Công an tỉnh để cán bộ chiến sỹ tiếp cận nhanh nhất vận dụng trong công tác; xây dựng kế hoạch khắc phục kháng nghị, kiến nghị, những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua công tác kiểm tra, hướng dẫn và thực tiễn công tác. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả NĐ 49/CP của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền; thường xuyên tổ chức rà soát, phân loại, cập nhật thông tin về người chấp hành xong án phạt tù, phối hợp với các đơn vị, địa phương trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình liên quan, phòng ngừa không để bị lôi kéo hoạt động tái phạm tội.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp đối với cơ quan THAHS Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và Công an cấp xã. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án về tái hòa nhập cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Bốn là, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phải lồng ghép, gắn kết công tác này trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đặc biệt chú trọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù, tạo nguồn vốn để họ và gia đình thoát nghèo, xóa bỏ mặc cảm, tu chí lập nghiệp ngay từ ngày đầu khi họ trở về gia đình, xã hội.

Năm là, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống; có kế hoạch nhân rộng các mô hình; kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân tiêu biểu trong lao động, kinh doanh, sản xuất giỏi và những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.

Sáu là, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; đề xuất xây dựng và ban hành các chính sách về dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Bảy là, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức các cơ quan THAHS và lực lượng Công an cấp xã ổn định đảm bảo tính chuyên sâu; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, pháp luật về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng cho đội ngũ CBCS làm công tác này tại các cơ quan THAHS và đặc biệt là lực lượng Công an cấp xã nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

                                                                                                 


Tác giả: Ngọc Học
Tin liên quan