A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bổ sung trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở kế thừa các quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bổ sung một số trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự.

images (1)Điều 24:“Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự

Loại trừ trách nhiệm hình sự là những trường hợp được quy định trong các điều của BLHS về việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội, khi có đủ căn cứ do pháp luật hình sự quy định thì việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự, nhưng không bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi nguy hiểm đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Loại trừ trách nhiệm hình sự là một chế định quan trọng của BLHS Việt Nam. Trong lần pháp điển hóa pháp luật hình sự đầu tiên (BLHS năm 1985) đã có 04 trường hợp được coi là loại trừ trách nhiệm hình sự; sau đó, các trường hợp này tiếp tục được ghi nhận tại BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đến BLHS năm 2015, chế định này đã hoàn thiện hơn, được ghi nhận trong một chương riêng gồm 07 điều.

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 quy định một chương riêng về các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Đồng thời, ngoài việc tiếp tục quy định 04 trường hợp thuộc diện được loại trừ trách nhiệm hình sự như BLHS năm 1999 (Sự kiện bất ngờ, Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, Phòng vệ chính đáng, Tình thế cấp thiết), BLHS năm 2015 bổ sung thêm 03 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, đó là: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24), Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25) và Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26). Bộ Luật hình sự năm 2015 tập trung sửa đổi về những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự nhằm mục đích bảo đảm ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm, trường hợp nào phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự, qua đó bảo đảm yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hơn nữa, giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân trong xã hội để biết những việc làm nào là đúng, việc làm nào là sai, góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã đề cập: Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội… Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm…

“Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Xuất phát từ tính tích cực của hành vi bắt giữ người phạm tội, để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ, khuyến khích mọi người tham gia đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, BLHS năm 2015 đã bổ sung Điều 24 quy định việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ khi bắt giữ người phạm tội thì thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Điều luật, không phải mọi trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội đều được loại trừ trách nhiệm hình sự mà chỉ được loại trừ đối với thiệt hại gây ra cho người bị bắt, còn thiệt hại gây ra cho người khác thì không được loại trừ và việc gây thiệt hại cho người bị bắt chỉ trong giới hạn là cần thiết. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đó.

“Điều 25. Rủi ra trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Việc BLHS năm 2015 bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển. Quy định này còn là một bảo đảm chắc chắn cho những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, động viên các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến vì sự phồn vinh của đất nước.

Theo Điều 25 BLHS năm 2015 thì hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới chỉ được coi là rủi ro và người gây rủi ro đó không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả xảy ra. Trường hợp không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả có thể xảy ra, gây thiệt hại cho xã hội thì người thực hiện hành vi này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều cảnh báo này có tác dụng ngăn chặn những việc làm bừa, làm ẩu nhưng viện lý do nghiên cứu khoa học, thử nghiệm… để trốn tránh trách nhiệm.

“Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chủ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng với các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 421, khoản 2, Điều 422 và khoản 2, Điều 423 của Bộ luật này”.

Vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây thiệt hại khi thi hành đúng mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên đã được đặt ra từ lâu trong quá trình xây dựng BLHS năm 1999 và là một vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015, vấn đề này được tiếp tục đặt ra và lần này đạt được sự đồng thuận cao của các cơ quan chức năng. Theo Điều 26, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ 03 điều kiện sau đây:

1. Mệnh lệnh đó phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân, tức là trong lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân.

2. Việc thi hành mệnh lệnh đó là để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó.

Cần lưu ý, Điều 26 đã bổ sung một quy định loại trừ, theo đó, sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người chấp hành mệnh lệnh quân sự của người chỉ huy hoặc cấp trên mà phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (khoản 2, Điều 421), tội chống loài người (khoản 2, Điều 422), tội phạm chiến tranh (khoản 2, Điều 423).

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện về mặt hình thức, nội dung pháp lý cũng như kỹ thuật lập pháp về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, bước đầu góp phần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc nghiên cứu bổ sung thêm các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự sẽ tạo điều kiện khuyến khích tư duy sáng tạo của con người, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm sự yên tâm cũng như thận trọng của chủ thể trong các hoạt động có rủi ro, khuyến khích sự tham gia của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, việc bổ sung trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là thực thi mệnh lệnh của cấp trên góp phần tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước ta. Như vậy, có thể thấy ưu điểm trong việc nghiên cứu bổ sung chế định loại trừ trách nhiệm hình sự là việc tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động nghiên cứu, thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội không chỉ về kinh tế mà tạo ra một xã hội trật tự, tuân thủ pháp luật.

Khánh Vi