A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo vệ quyền con người

Luật Phòng, chống mua bán người, được thông qua từ năm 2011, là một trong những đạo luật quan trọng nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thực thi, do yêu cầu về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với bối cảnh pháp luật hiện hành.

Hạn chế về sự đồng bộ với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế

Do được thông qua từ năm 2011 nên Luật Phòng, chống mua bán người có một số quy định không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta (không còn phù hợp với quy định của các luật được Quốc hội ban hành sau như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung  năm 2021) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan). Đồng thời, một số quy định có liên quan đến quyền con người, quyền công dân đang được quy định tại văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, do đó, để phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì những quy định liên quan quyền con người, quyền công dân bị hạn chế từ các văn bản dưới luật nêu trên sẽ phải được rà soát để quy định trong luật.

Mặt khác, nạn nhân mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người được xác định theo quy định tại Điều 119, Điều 120 của Bộ luật Hình sự năm 1999, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; tuy nhiên, quy định về tội phạm mua bán người tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự đã có sự thay đổi. Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các căn cứ xác định nạn nhân cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bên cạnh đó, quy định về mua bán người, nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay chưa hoàn toàn tương thích với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Do đó, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người cho phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kon Tum làm việc với nạn nhân một vụ mua bán người (nguồn ảnh: congan.kontum.gov.vn)

Hướng đến hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống mua bán người

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định quan trọng. Cụ thể như:

Về những quy định chung (Chương I), so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật đã giữ nguyên số điều, sửa đổi, bổ sung 06 điều, trong đó:

- Đã bổ sung giải thích từ ngữ về “mua bán người”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, “người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật. Việc bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật, phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như xác định rõ địa vị pháp lý của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và cụ thể hóa nhóm chính sách quy định về chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đồng thời, bổ sung giải thích từ ngữ về “thủ đoạn khác trong mua bán người”, “bộ phận cơ thể”, “mục đích vô nhân đạo khác” để thống nhất trong cách hiểu thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và quy định tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về Tội mua bán người và Điều 151 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, bổ sung các nguyên tắc quan trọng như: (1) Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới; (2) Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam; (3) Tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi này; (4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế. Đồng thời, bổ sung các chính sách: (1) Bảo vệ và hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật; (2) Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Trong đó, bổ sung quyền: (1) Được từ chối biện pháp bảo vệ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân mình, trừ trường hợp bị đe dọa, ép buộc từ chối, và chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân, người thân thích của mình khi từ chối biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; (2) Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người; (3) Được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ; (4) Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, làm việc, các thông tin khác theo quy định của pháp luật; (5) Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nạn nhân. Đồng thời, bổ sung các nghĩa vụ: (1) Chấp hành đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ; (2) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Việc sửa đổi, bổ sung này để hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân (Chương IV):

- Tại Điều 32 dự thảo Luật quy định về căn cứ xác định nạn nhân, đã sửa đổi, bổ sung căn cứ để xác định nạn nhân bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên; bổ sung quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân và một số căn cứ khác để xác định nạn nhân đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân (Điều 33) cụ thể như sau: (1) Giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:  Giấy xác nhận là nạn nhân hoặc giấy xác nhận không phải là nạn nhân; Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân; (2) Thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân: Công an cấp huyện theo quy định tại khoản 4 Điều 27 và khoản 1 Điều 28 của Luật này; cơ quan giải cứu, tiếp nhận theo quy định tại Điều 28, Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này; Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (Điều 35) theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan (tố tụng hình sự, tố cáo) và quy định về một số biện pháp bảo vệ (bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật) đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không thuộc trường hợp họ là người tố cáo theo pháp luật về tố cáo, người tham gia tố tụng hình sự theo pháp luật về tố tụng hình sự.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tố cáo.

Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan về phòng, chống mua bán người (Chương VI)

Chương này quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của các bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân các cấp về phòng, chống mua bán người.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này bổ sung 01 điều (Điều 48) về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người; bỏ 02 điều về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; sửa đổi, bổ sung 10 điều. Việc sửa đổi, bổ sung này bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành; đồng thời, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về phòng, chống mua bán người.

Về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người (Chương VII)

Chương này quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân; tương trợ tư pháp.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này giữ nguyên về số điều, sửa đổi, bổ sung 03 điều (Điều 61, Điều 62 và Điều 63) về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm quy định thống nhất trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) không chỉ nhằm đảm bảo tính đồng bộ với các đạo luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mà còn nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong những năm tiếp theo.

 


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan