A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Đề xuất nhiều quy định hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua vào ngày 29/3/2011, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người ở Việt Nam. Luật này đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đồng thời bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai, đã xuất hiện những bất cập, vướng mắc trong việc thực thi luật, khiến việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người trở nên cần thiết.

Những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người

Thực tiễn triển khai Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã bộc lộ một số khó khăn như việc xác định nạn nhân còn chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong việc chi trả và hỗ trợ cho các nạn nhân. Nhiều nạn nhân khi trở về địa phương vẫn phải đối mặt với những sang chấn tâm lý, hoảng loạn, và bị kỳ thị nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ tâm lý đầy đủ. Chỉ những nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ về văn hóa, học nghề, và trợ cấp khó khăn ban đầu, trong khi mức chi hỗ trợ cũng chưa đủ để đảm bảo cuộc sống khi hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng cần được hưởng các chế độ hỗ trợ thiết yếu như ăn, mặc, y tế, và hỗ trợ tâm lý. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện việc hỗ trợ cho đối tượng này. Bên cạnh đó, Luật năm 2011 chưa có quy định về hỗ trợ chi phí phiên dịch cho những nạn nhân không biết tiếng Việt, khiến việc tiếp nhận, lấy lời khai hay hỗ trợ họ gặp nhiều khó khăn.

Nạn nhân một vụ mua bán người được lực lượng Công an Kon Tum giải cứu thành công về Việt Nam (nguồn ảnh: congan.kontum.gov.vn)

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người

Trước những bất cập nêu trên, Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người đã đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi và bổ sung quan trọng, đặc biệt là tại Chương V về hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này bổ sung 01 điều quy định về hỗ trợ chi phí đi lại (Điều 40) trên cơ sở kế thừa và tách từ điều quy định về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại của Luật hiện hành; bổ sung 01 điều về hỗ trợ chi phí phiên dịch (Điều 44) nếu nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không biết, hiểu tiếng Việt; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 09 điều và bỏ 01 điều quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cụ thể như sau:

- Sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng: (1) Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu; (2) Hỗ trợ chi phí đi lại; (3) Hỗ trợ y tế; (4) Hỗ trợ tâm lý; (5) Trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp luật; (6) Hỗ trợ phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân. Đồng thời, nâng cao hơn chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 theo hướng: (1) Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ); (2) Được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe khi tiếp nhận; trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà họ bị ốm, bị thương tích thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên; (3) Được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian không quá 90 ngày; (4) Được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng có liên quan đến vụ việc mua bán người; nạn nhân được hỗ trợ pháp luật bằng cách được tư vấn để làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm căn cước, nhận chế độ hỗ trợ; (5) Nạn nhân là người dưới 18 tuổi nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên và năm liền kề; nạn nhân khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; (6) Khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; (7) Nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật; (8) Được hỗ trợ phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ đối với người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân được hưởng: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp luật; hỗ trợ học văn hóa.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ đối với người dưới 18 tuổi đi cùng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng và sửa đổi, bổ sung quy định cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập thời gia qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

 


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan