A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Trường học tạm đóng cửa, nhiều hàng quán dịch vụ tạm nghỉ, lưu lượng giao thông giảm đáng kể… Đó là những hình ảnh chúng ta dễ dàng bắt gặp khi đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum trong thời gian gần đây sau khi thực hiện Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 1/4 thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày theo nguyên tắc “tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó”. Nắm bắt thông tin chỉ thị, vì lo sợ không có thực phẩm, rất đông người dân ở Thành phố đã đổ xô đi siêu thị, chợ mua đồ tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiếtTuy nhiên, lượng sản phẩm tại các các siêu thị được bảo đảm khá phong phú, hàng hóa dồi dào tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; hoàn toàn không có hiện tượng khan hàng, thiếu hàng; giá cả các mặt hàng tương đối ổn định vì vậy việc tích trữ nhu cầu tiêu dùng là hoàn toàn không cần thiết.

siêu thị 4

Hàng hóa và các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, chợ rất phong phú và đảm bảo số lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng

 Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Nhất Quân – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Kon Tum cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh Covid thì lượng khách hàng mua hàng thiết yếu có tăng lên, đặc biệt là tăng trong những ngày có Chỉ thị 16 của Chính phủ thì lượng khách hàng đến mua sắm tăng lên rất nhiều. Trước tình hình đó thì đơn vị đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp đôi so với bình thường và đơn vị chủ quản Sài Gòn Co.op cũng đã làm việc với nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ tại kho trung tâm phân phối. Khi mà lượng hàng về đơn vị vơi thì đơn vị có thể trong vòng 24 tiếng có thể đặt hàng về đầy đủ để phục vụ bà con”.

Để bảo đảm đủ hàng hoá trong thời gian “cách ly toàn xã hội”, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối lớn đều cam kết bảo đảm cung ứng đầy đủ và bình ổn giá thị trường. Các doanh nghiệp địa phương, nhà phân phối bám sát diễn biến thị trường để chủ động nguồn hàng dự trữ, bảo đảm phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân.

Ngoài cung cấp đủ nguồn hàng, nhiều siêu thị cũng triển khai thực hiện những biện pháp an toàn để phòng tránh dịch bệnh như: nhân viên siêu thị được cung cấp khẩu trang ý tế, mũ phòng chống dịch khi làm việc; vào đầu ca làm việc thì tất cả cán bộ nhân viên được đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn trước khi vào làm việc và sau khi ra về; thường xuyên vệ sinh diệt khuẩn các khu vực đông khách, vệ sinh diệt khuẩn các trang thiết bị, các xe đẩy, giỏ khách hàng để đảm bảo các xe đẩy, giỏ luôn luôn được sạch sẽ. Người dân khi đến mua hàng tại các siêu thị cũng được đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn ở cửa ra vào và bố trí vị trí khách hàng đứng xa nhau. Ở các quầy thực phẩm hay quầy tính tiền, người dân sẽ đứng theo vị trí đánh dấu dưới sàn nhà nhằm đảm bảo cách nhau 2m. Song song đó, các siêu thị thường xuyên phát loa để người dân đến mua sắm biết và thực hiện đúng các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho mình và cho cộng đồng.

Siêu thị

Người mua hàng đảm bảo cách nhau 2m theo khoảng cách an toàn được khuyến cáo để góp phần phòng chống dịch bệnh

Tại các khu vực chợ, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường tuy số lượng khách đến mua hàng không nhiều như trước đây. Đặc biệt, phía khu vực cổng ra vào các chợ đều được trang bị nước sát khuẩn để phục vụ tiểu thương và người tiêu dùng đi mua sắm tại chợ. Bên trong, các gian hàng bày bán mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều được sắp xếp cách xa nhau trên 2 mét. Nhìn chung các tiểu thương ai cũng đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận nhằm tránh chạm vào bề mặt có khả năng nhiễm mầm bệnh, đồng thời hạn chế việc chào mời, trao đổi với khách. Nhiều tiểu thương ở chợ Trung tâm thương mại Kon Tum còn nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi tự trang bị cho mình nước sát khuẩn tại mỗi quầy hàng để vừa phục vụ bản thân, vừa phục vụ khách hàng. Chợ, siêu thị chính là nơi cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng và cũng là nơi có nhiều người ghé đến. Vì vậy, việc các tiểu thương tại đây nâng cao ý thức sử dụng các biện pháp phòng dịch bệnh là rất cần thiết. Đây chính là hành động thiết thực góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

chợ 1

Ban quản lý chợ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn trước và sau khi vào khu vực chợ

chợ 2

Nhiều tiểu thương tự trang bị khẩu trang, găng tay và nước rửa tay diệt khuẩn nhằm bảo vệ cho bản thân và cho khách hàng

Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thành phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều hàng quán dịch vụ đóng cửa ngừng mọi hoạt động kinh doanh nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người, góp phần phòng, chống lây lan dịch bệnh. Mặc dù việc đóng cửa sẽ khiến tình hình kinh doanh của các chủ cơ sở gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ý thức đây là hành động cần thiết trong thời điểm này, các cơ sở kinh doanh sẵn sàng thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, vì cộng đồng chung tay chống dịch. Linh hoạt trong kinh doanh, nhiều nhà hàng, quán ăn đã chủ động tìm các giải pháp, thay đổi hình thức kinh doanh như: chỉ bán hàng mang đi hoặc giao tận nơi nhằm tuân thủ các quy định về hạn chế tiếp xúc ở khoảng cách gần.

quán xá

Nhiều hàng quán trên địa bàn thay đổi hình thức kinh doanh để vừa đảm bảo duy trì kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh

Anh Trương Dương Phi – Chủ quán mì Quảng Ba phi đường Lê hồng Phong chia sẻ: “Mùa dịch này buôn bán không bằng mấy tháng trước nhưng gia đình tôi vẫn ý thức chấp hành theo quy định của Nhà nước. Để tránh tập trung đông người thì quán tôi chỉ nhận bán mang đi và ship hàng cho khách. Tuy có nhiều bất tiện, khó khăn nhưng vì sức khỏe cộng đồng nên quán tôi vẫn cố gắng chấp hành nghiêm chỉnh để vừa đảm bảo việc kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe cho mọi người”

Nhìn chung, đại đa số người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Chính phủ trong việc “cách ly xã hội”. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, xem nhẹ những biện pháp bảo vệ cho mình, cho người thân và cho cộng đồng. Đây không đơn thuần là câu chuyện ý thức mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với toàn xã hội.

C0770T01

Nhiều người dân vẫn chủ quan trong việc tự phòng tránh dịch bệnh

Như vậy, theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian này là giai đoạn quyết định để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng. Vì mục tiêu cả nước chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Hòa Bình