A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) là nhiệm vụ quan trọng góp phần tạo sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân về những tấm gương tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, hình thành liên kết “phên dậu” vững chắc loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn nảy sinh vấn đề phức tạp tại địa phương.

          Hiện nay, cả nước có 4.111 mô hình được chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, duy trì hoạt động tại các địa phương, trong đó, có 3.537 mô hình đủ thời gian và được đánh giá hoạt động hiệu quả. Trong những năm qua, bám sát Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-01-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Bộ Công an đã tăng cường chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…

A group of people posing for a photo Description automatically generated

Lễ ra mắt mô hình “Đội tự quản về an ninh, trật tự và bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện” tại Điện lực thành phố Kon Tum (Ảnh: Miền Đỗ)

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công an về công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các ban đảng, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác xây dựng, củng cố mô hình, điển hình tiên tiến từ trung ương đến cơ sở. Các mô hình được xây dựng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nhất là các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo từng lĩnh vực cụ thể như: Mô bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục (“Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự” trong doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương; mô hình “Quỹ doanh nhân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự”, mô hình “Tổ công nhân vì môi trường xanh” tại tỉnh Cà Mau…); mô hình trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo (“Phật giáo Đông Hà tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng văn minh đô thị” tại Quảng Trị; “Giáo xứ, giáo họ an toàn” tại Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai; mô hình treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo được triển khai trên toàn quốc…); mô hình bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực biên giới trên bộ và trên biển (“Tổ tuần tra biên giới, tuần tra nhân dân” ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, An Giang, Tây Ninh; “Xóm chài bình yên”, “Cụm tàu thuyền an toàn”, “Làng chài bình yên”, “Đội dân phòng tự quản phòng, chống tội phạm trên sông” ở Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Long và các tỉnh duyên hải Miền Trung); mô hình trong đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; mô hình đảm bảo an toàn giao thông; mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy (“Khu dân cư, cơ quan an toàn về an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm ma túy” tại Hòa Bình; “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy” tại Vĩnh Long; “Xã không ma túy” tại Nghệ An, An Giang); mô hình hỗ trợ động viên đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện và cải tạo ở cơ sở giáo dục bắt buộc trở về địa phương cư trú; mô hình liên kết giữa cơ quan, tổ chức và lực lượng Công an trong đảm bảo an ninh, trật tự… Trong đó, nhiều mô hình phát huy hiệu quả cao, được triển khai, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc như mô hình camera an ninh, mô hình zalo phòng, chống tội phạm, mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự, mô hình liên kết đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực giáp ranh.

Một buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thành phố Kon Tum (Ảnh: Thùy Dương)

Nhiều cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có sự vào cuộc, chỉ đạo mạnh mẽ, có cách làm hay, sáng tạo trong chỉ đạo xây dựng mô hình như Đề án xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 20202-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình an ninh cơ sở của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh… Bên cạnh đó, công tác củng cố hồ sơ mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được các địa phương triển khai đồng bộ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, thanh loại các mô hình hoạt động kém hiệu quả, từng bước đưa công tác xây dựng mô hình đi vào thực chất, hiệu quả, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Khẳng định rằng, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến là điều kiện thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của người dân, thu hút nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, tạo “phên dậu” vững chắc ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn vấn đề phức tạp nảy sinh.

     


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan