A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 năm 2024 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”.

Thực hiện Công văn số 1072/BCĐ ngày 23/5/2024 của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Công an về hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Với mục tiêu, huy động 100% CBCS, công nhân, nhân viên lao động hợp và toàn thể cộng đồng cùng tham gia công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là các hoạt động hướng tới hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2024.

Lễ Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2024 tỉnh Kon Tum

Theo đó, Công an tỉnh chỉ đạo:

- Các đơn vị Ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện PCTH của thuốc lá; Tổ chức thực hiện Luật PCTH của thuốc lá và Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030 trong lực lượng Công an nhân dân; Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Tổ chức hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5 phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương.

- Nâng cao nhận thức của CBCS và nhân dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn; Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các đơn vị và giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá; Tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động PCTHCTL của các các đơn vị trong Công an tỉnh về tác hại thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn.

  Đặc biệt, các đơn vị phải chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động; phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTHCTL, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe con người, gương người tốt việc tốt trong công tác PCTHCTL, cai nghiện thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá... đảm bảo sâu rộng đến tất cả CBCS và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.   

  Theo Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số là hết sức cần thiết.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.

Tại Việt Nam, Trong Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá) cho thấy nhờ có nhiều cố gắng trong công tác PCTH thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc. Đây là những kết quả nổi bật trong công tác PCTH thuốc lá.

Bên cạnh đó, những thành tựu này cũng có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.


Tác giả: Phạm Thị Diên