A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 22/01/2024 về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, Kế hoạch xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gồm:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị số 17-CT/TW), Quyết định số 426/QĐ-TTg, Kế hoạch số 82-KH/TU, Kế hoạch số 2240/KH-UBND và Kế hoạch số 3449/KH-UBND nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo quy định.

Thống kê, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo quy định.

Chủ động giám sát, cảnh báo, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo quy định; chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao; xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm").

Duy trì, phát triển diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; xây dựng mô hình sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến.

Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản áp dụng, chứng nhận HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO 22000 (Tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm), FSSC (Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm) hoặc tương đương cho sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm cũng như yêu cầu của các đối tác tiêu thụ và các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để kiểm soát an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.

Rà soát, tham mưu kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, các siêu thị, trung tâm thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, xử phạt nghiêm vi phạm.

Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; phát hiện việc sản xuất kinh doanh chất cấm, sản phẩm nông lâm thủy sản kém chất lượng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Tổ chức kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng, lưu thông, tàng trữ, buôn bán các chất cấm, các hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; các hành vi vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động các hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong tỉnh tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản, không sử dụng chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, hàng giả, các loại thuốc hoặc hóa chất ngoài danh mục; đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý chất lượng đồng bộ trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản; thường xuyên phát động các phong trào sáng kiến, việc làm tốt về bảo đảm an toàn thực phẩm, tích cực đấu tranh với các hành vi mất an toàn thực phẩm trong cộng đồng

Hướng dẫn, đưa tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức, quy định pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm; truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thuỷ sản chất lượng, an toàn, các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.  

Thông tin rộng rãi số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm.


Tác giả: BBT