A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy cơ mất nhà đất vì cho ở nhờ

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có một số hộ dân bỗng dưng mất trắng nhà, đất chỉ vì cho người khác ở nhờ. Đắng cay hơn, đối tượng trong các vụ việc này chủ yếu là bà con họ hàng với nhau, là người quen, là hàng xóm … vì lòng tham họ bất chấp nghĩa tình.

Bà N.T.L.H, 61 tuổi, trú tại xã ĐăkBlà, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã theo đuổi vụ việc“Đòi lại nhà, đất cho ở nhờ” suốt ba năm ròng rã. Năm 2004, biết gia đình bà H có căn nhà để trống nằm gần đường lớn, anh N.T.L đã ngỏ lời xin gia đình bà H cho ở nhờ một thời gian để hành nghề sửa xe, hẹn sẽ trả lại khi có yêu cầu. Thương đứa cháu  không nghề nghiệp, không nhà ở, nay đây mai đó nên bà H gật đầu đồng ý.

Khi cho ở nhờ, vì tình nghĩa cô cháu nên hai bên không làm hợp đồng mà chỉ nói miệng với nhau. Năm 2009, anh L lấy vợ và tiếp tục xin ở nhờ tại nhà và đất nói trên. Trong quá trình sinh sống, căn nhà bị xuống cấp, vợ chồng anh L đã đầu tư công sức, chi phí để sữa chữa, cải tạo căn nhà. Năm 2012, gia đình bà H đã nhiều lần gặp gỡ để thông báo cho vợ chồng anh L tìm nơi ở khác và yêu cầu trả lại nhà đất, tuy nhiên anh L nói rằng đây là nhà đất của anh và kiên quyết không trả lại.

 

Ảnh minh họa: Cô, cháu kiện nhau “Đòi nhà, đất cho ở nhờ”


Bức xúc trước hành vi ngang nhiên chiếm nhà đất của anh L, bà H đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban nhưng không hòa giải được. Sau đó, bà H đã có đơn khởi kiện vụ án “Đòi lại nhà, đất cho ở nhờ” lên Tòa án. Tuy nhiên, Tòa đã trả đơn vì hai lý do: Thứ nhất, bà H không cung cấp được chứng cứ chứng minh gia đình bà H là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhà, đất cho anh L ở nhờ; Thứ hai, không có giấy tờ nào chứng minh việc gia đình bà H đồng ý cho anh L ở nhà tại nhà, đất nêu trên.

Nhà, đất nói trên vốn dĩ do gia đình bà H nhận chuyển nhượng từ một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2001, khi đó hai bên chỉ mua bán bằng giấy viết tay, có xác nhận của thôn trưởng. Nay, thôn trưởng đã mất, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số người đã mất, người đã bỏ đi xứ khác. Gia đình bà H đã nhiều lần dò hỏi tin tức của họ nhưng không ai hay biết.

Bà H buồn bã, tuyệt vọng vì bỗng dưng mất trắng nhà, đất – là của hồi môn cho con gái út đi lấy chồng mà bấy lâu bà gom góp. Còn đau lòng hơn gấp bội lần khi người chiếm nhà, đất của bà không ai khác lại là cháu ruột, người mà bà đã yêu thương, bao bọc những lúc khó khăn. Đã sang bên kia dốc cuộc đời, vậy mà bà bị đứa cháu “ăn cháo đá bát”, tham lam của cải, vứt bỏ nghĩa tình. Rồi mai đây, khi bà nhắm mắt xuôi tay, chắc hẳn mâu thuẫn giữa hai gia đình đã chấm dứt?

Ông bà ta có câu “Vô phúc đáo tụng đình” quả không sai, chẳng ai muốn trong gia đình, trong dòng họ lại xảy ra tranh chấp, phải kéo nhau ra giữa chốn công đường. Nhà và đất là những bất động sản có giá trị gắn liền với cuộc đời mỗi con người, vì vậy để tránh nguy cơ mất nhà, đất khi cho người khác ở nhờ, khi thực hiện giao dịch này chúng ta cần đảm bảo các yếu tố sau đây:

Thứ nhất: cần đảm bảo các giấy tờ chứng minh bạn có quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà, đất cho ở nhờ.

Ví dụ: giấy tờ hợp pháp về việc nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà, đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; Biên lai đóng thuế nhà, đất …

Thứ hai: khi cho ở nhờ, nên có Hợp đồng cho ở nhờ đã được công chứng, trong nó nêu rõ: đặc điểm của nhà, đất cho ở nhờ là như thế nào; thời hạn cho ở nhờ là bao lâu; quyền và nghĩa vụ của các bên ra sao; bên được ở nhờ có quyền sữa chữa, cải tạo nhà hay không …

Thứ ba: Khi có nhu cầu lấy lại nhà đất, nên thông báo cho trước một thời gian hợp lý cho bên được ở nhờ bằng văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương.

Trường hợp, bên được ở nhờ cố tình không trả lại nhà đất, chúng ta có thể khiếu nại lên Ủy ban nhân dân xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết. Nếu Ủy ban nhân dân xã hòa giải không thành thì bước tiếp theo chúng ta có quyền gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật.

Khi đảm bảo được những yếu tố nêu trên, chúng ta sẽ tránh được những rủi ro khi cho người khác ở nhờ trên nhà, đất của mình; đồng thời, đó cũng là chứng cứ hữu hiệu giúp chúng ta đòi lại công bằng khi xảy ra tranh chấp.


A.L.G