A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh

Ngày 08/8/2024, UBND tỉnh có Công văn số 2818/UBND-NNTN triển khai Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:

Các sở, ban ngành, các đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các chủ đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 và các chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai mưa lớn, bão và các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, bản tin dự báo thiên tai, dự báo tác động của thiên tai nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai; tập trung tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai (bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, động đất,...) để chủ động chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, động đất; kiểm tra, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với nhũng nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

 

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo và có kế hoạch sơ tán bảo đảm an toàn khi cần thiết.

Chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của học sinh trên địa bàn. 

Đài Khí tượng thủy văn Kon Tum thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các sở, ban ngành là Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao và trong phạm vi quản lý của đơn vị mình chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có mưa to và lũ, sạt lở đất xảy ra./.

 

                     

 


Tác giả: Ban biên tập
Tin liên quan