A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo

Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó cơ bản nhất là bảo vệ được vốn rừng hiện có, duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng hiện nay là 63,0%, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc chỉ đạo quyết liệt hơn, từ đó số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp có giảm so với năm trước.

https://img.dantocmiennui.vn/t620/uploaddtmn/2016/11/8/rung-kon-tum-11-imag3398-1.jpg

Hội nghị đánh giá quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh thuộc 3 tỉnh kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam (ảnh: dantocmiennui.vn)

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác quản lý các cơ sở chế biến lâm sản, các cơ sở mộc dân dụng, hồ sơ lâm sản còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý, bố trí sử dụng đất của các địa phương kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất vẫn còn diễn ra; việc xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp còn chậm, chưa kịp thời để nâng cao tính răn đe, giáo dục…

Để khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp công tác. Trong đó, xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường công tác phối hợp giữa chủ rừng, Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong từng khâu, từng bước xử lý để đảm bảo tất cả các vụ án, vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện kịp thời, cung cấp ngay thông tin, hồ sơ, khẩn trương điều tra, xác minh, sớm đưa ra xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu theo quy định của pháp luật; đơn vị nào chậm trễ ở khâu nào sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả xử lý vụ việc.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh nâng cao hơn nữa năng lực điều tra của lực lượng trực thuộc, nhất là cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện đối với các vụ án trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó, đối với một số vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì rút hồ sơ về Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh để điều tra, xử lý ngay từ đầu. Đồng thời xử lý đối với người đứng đầu Công an các huyện, thành phố thiếu trách nhiệm, để chậm trễ trong điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn.

Đối với tất cả các vụ phá rừng trái phép buộc khôi phục, trồng lại rừng; trường hợp không phát hiện các đối tượng vi phạm thì chủ rừng1 phải tổ chức trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, kinh phí thực hiện do các đơn vị chủ rừng tự chịu trách nhiệm và không sử dụng ngân sách nhà nước…

Thái Ngân