A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Theo Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum của Ủy ban nhân dân tỉnh, thông qua hoạt động rà soát, hệ thống hóa, các văn bản đã lạc hậu hoặc nội dung văn bản không phù hợp với các văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa vào Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để xử lý theo quy định.

Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 2019-2023, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó: 

Về quá trình tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản: Tiếp nối những kết quả đạt được của kỳ hệ thống hóa văn bản 2014-2018, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023, ngay khi có Công văn số 4305/BTP-KTrVB ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai nhiệm vụ này trong năm 2023. Trong đó xác định nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2023. Đồng thời, đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2023 để các cơ quan triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản trên địa bàn tỉnh. 

Trên cơ sở các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2023 ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, địa phương đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác hệ thống hóa văn bản đối với việc chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như để bảo đảm sự minh bạch, thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nhận thấy phần lớn các ngành, địa phương đều xây dựng Kế hoạch tổ chức hệ thống hóa văn bản tại cơ quan mình. Nhiều ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản (sau khi Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn), thành lập các tổ rà soát, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cần thiết để thực hiện việc hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023. 

Thực tế cho thấy, việc hệ thống hóa tốt hơn rất nhiều so với kỳ hệ thống hóa văn bản 2014-2018, không còn tình trạng các cơ quan, địa phương không ban hành kế hoạch hệ thống hóa văn bản; tình trạng ban hành kế hoạch hệ thống hóa quá muộn so với thời hạn theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã được hạn chế. Bên cạnh việc ban hành Kế hoạch thực hiện, các ngành, địa phương đã quan tâm bố trí nhân lực, kinh phí, các điều kiện bảo đảm khác phục vụ cho hoạt động hệ thống hóa. Đồng thời, các cơ quan đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ với Sở Tư pháp trong quá trình rà soát, hệ thống hóa văn bản. Những vướng mắc, khó khăn trong công tác rà soát, hệ thống hóa đã được Sở Tư pháp kịp thời giải đáp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ. Việc công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa của cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo đúng thời gian quy định.

Về chất lượng kết quả hệ thống hóa văn bản: Theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời, đã được xác định cụ thể tại Kế hoạch số 262/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh thì đối tượng hệ thống hóa văn bản là văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa có hiệu lực tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023; phạm vi hệ thống hóa văn bản là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 qua rà soát xác định còn hiệu lực (bao gồm cả các văn bản được ban hành nhưng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 chưa có hiệu lực) thuộc trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP... 

Từ việc tổng hợp văn bản để hệ thống hóa, xác định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa, các cơ quan, đơn vị đã lập các danh mục văn bản, cụ thể là: Danh mục văn bản còn hiệu lực, bao gồm cả văn bản hết hiệu lực một phần và văn bản đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2023; Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023; Danh mục văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2019 - 2023. Qua theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn nghiệp vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nhận thấy các cơ quan, địa phương đã xác định và tập hợp được tương đối chính xác, đầy đủ các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi văn bản thuộc trách nhiệm phải hệ thống hóa. Trên cơ sở đó, các cơ quan đã rà soát, xác định được cụ thể tình trạng pháp lý của văn bản và sắp xếp các văn bản vào các danh mục theo các tiêu chí được hướng dẫn trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ bảo đảm sự rõ ràng, chính xác thông tin về văn bản, giúp quá trình tra cứu văn bản được thuận tiện; thực hiện việc công bố kết quả hệ thống theo đúng quy định. 

Về hệ thống văn bản đã được hệ thống hóa: Qua thông tin báo cáo, đánh giá của các cơ quan, địa phương về hệ thống văn bản được hệ thống hóa cho thấy, các văn bản được ban hành sau ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã tuân thủ đúng về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành văn bản; nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, qua hoạt động rà soát văn bản để phục vụ hệ thống hóa cho thấy, nhiều văn bản được ban hành đã lâu, nội dung đã được điều chỉnh tại văn bản khác, song chưa được xử lý về mặt hiệu lực, thậm chí có văn bản không xác định được tình trạng hiệu lực cũng như các thông tin khác liên quan đến văn bản. Thông qua hoạt động rà soát, hệ thống hóa, các văn bản đã lạc hậu hoặc nội dung văn bản không phù hợp với các văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa vào Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để xử lý theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 còn khó khăn, vướng mắc: Mặc dù công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản đã được thực hiện qua hai kỳ hệ thống hóa văn bản, song một số cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng về cách thức triển khai, kỹ năng nghiệp vụ như: Một số cơ quan báo cáo và lập các danh mục chưa đúng mẫu quy định, thiếu văn bản thuộc đối tượng rà soát, hệ thống hóa; một số cơ quan chưa thực hiện đúng quy trình hệ thống hóa văn bản, mới chỉ tập trung thực hiện việc tập hợp văn bản mà chưa thực hiện việc rà soát xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản nên chưa đề xuất việc xử lý các văn bản này theo quy định hoặc kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý chưa chính xác...

So với kỳ hệ thống hóa văn bản 2014-2018, tình trạng văn bản không rõ tình trạng pháp lý đã giảm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại văn bản được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng chưa có văn bản thay thế đã gây khó khăn cho việc xác định các nội dung hết hiệu lực và còn hiệu lực. Hơn nữa, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, một số văn bản do Trung ương ban hành đã hết hiệu lực nhưng chưa được cập nhật tình trạng hiệu lực kịp thời dẫn đến khó khăn trong việc đề xuất xử lý văn bản của địa phương theo quy định hoặc xác định tình trạng hiệu lực văn bản của địa phương.

Nhận thức về trách nhiệm thực hiện, tầm quan trọng của công tác rà soát, hệ thống hóa tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, có nơi vẫn coi đây là nhiệm vụ chỉ của cơ quan tư pháp và tổ chức pháp chế nên không chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong triển khai hệ thống hóa; làm ảnh hưởng đến tiến độ của cơ quan tổng hợp.


Tác giả: Khánh Vi