A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ

 

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn thể hiện là một tập thể thống nhất cả về ý chí và hành động trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của cấp trên và cấp mình. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố. Cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý được thông suốt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền không ngừng được nâng lên.

Điều đó được thể hiện từ công tác chính trị tư tưởng được chú trọng đúng mức. Việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng được thực hiện nghiêm túc; hoạt động nắm bắt, phản ánh và định hướng dư luận xã hội được thực hiện kịp thời. Công tác đấu tranh phòng chống âm mưu, hoạt động ‘diễn biến hoà bình’ của các thế lực thù địch được chủ động triển khai và đạt kết quả tích cực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá. Tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch được nâng lên.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, phân công cán bộ


Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo NQTW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả thiết thực. Những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, tập trung giải quyết đạt kết quả tốt. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp thể hiện sự gương mẫu, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; một số điển hình tiên tiến được biểu dương và nhân rộng.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào thực chất. Tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố, kiện toàn, phát huy được vai trò và đáp ứng nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển đảng, nhất là ở những nơi khó khăn tiếp tục được chú trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp 6.378 đảng viên mới (vượt 41,73% chỉ tiêu Nghị quyết), nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 23.579 đảng viên, trong đó nữ chiếm 32,98%, người dân tộc thiểu số chiếm 31,09%, là đoàn viên TNCS HCM chiếm 26,41%, đảng viên tôn giáo chiếm 3,43%; số thôn, làng chưa có tổ chức đảng từ 59/831 (7,09%) giảm còn 17/857 (1,98%) và số thôn, làng chưa có đảng viên từ 13/831 (1,56%) giảm còn 10/857 (1,16%). Số lượng, chất lượng đảng viên mới kết nạp hằng năm đều tăng, nhất là đảng viên trẻ, nữ, dân tộc thiểu số và đảng viên có tôn giáo.

Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định; đội ngũ cán bộ cơ bản đảm bảo cơ cấu, chất lượng, trưởng thành về mọi mặt và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Chất lượng quy hoạch cán bộ các cấp ngày càng được nâng lên, cơ bản khắc phục tình trạng khép kín. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện tốt, đã góp phần khắc phục tình trạng trì trệ, cục bộ ở một số địa phương, đơn vị. Đa số cán bộ luân chuyển có sự trưởng thành, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm ở cương vị công tác mới. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ tăng về số lượng, nâng dần về chất lượng và hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo (thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) là người dân tộc thiểu số ở cấp tỉnh là 30/332 (chiếm 9,1%), cấp huyện (trừ Công an, quân sự, Biên phòng) là 44/139 (chiếm 31,7%); tỷ lệ cán bộ trẻ lãnh đạo cấp tỉnh là 13/332 (chiếm 3,92%), cấp huyện 4/139 (chiếm 2,9%); cán bộ lãnh đạo là nữ cấp tỉnh 33/332 (chiếm 9,94%), cấp huyện 26/139 (chiếm 18,8%).

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tiếp tục được tăng cường. Đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát với những nội dung trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm; qua kiểm tra, giám sát đã phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, ngăn ngừa sai phạm, đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, xử lý nghiêm đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Giải quyết kịp thời đơn thư tố cáo, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài.

Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, được triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức, lực lượng phù hợp, góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Vai trò giám sát, phản biện xã hội đã có sự đổi mới về hình thức và nội dung; việc thực hiện các hương ước, quy ước ở thôn, làng, tổ dân phố và khu dân cư góp phần phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên rõ rệt, nhất là việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Công tác giám sát, tiếp xúc cử tri đã có sự đổi mới theo hướng tăng cường phối hợp, thiết thực, hiệu quả. Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức từng bước được chấn chỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có nhiều chuyển biến. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng tiếp tục được đổi mới, sâu sát và hiệu quả hơn. Việc ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của các cấp uỷ ngày càng thiết thực, nội dung ngắn gọn, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và  tính khả thi cao. Tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên trách của Tỉnh uỷ được sắp xếp, kiện toàn kịp thời theo quy định của Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn một số hạn chế: Việc phổ biến, tuyên truyền, học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số nơi chất lượng chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng còn hạn chế. Tỷ lệ đảng viên được kết nạp ở một số vùng, lĩnh vực đạt thấp. Hoạt động kiểm tra, giám sát có mặt chưa đạt yêu cầu; công tác dân vận của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị hiệu quả chưa cao; vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí và xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội chưa thể hiện rõ nét./.


Bài, ảnh: Dương Nương