A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng Cảnh sát môi trường hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”

Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa, rác thải khó phân hủy như túi ni lông đang là mối quan tâm lớn của toàn nhân loại, có thể gây ảnh hướng lớn đến môi trường trong tương lai.

Ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni lông, trong khi đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 đến 6 túi ni lông trên ngày, đây là một con số rất lớn. Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon tấn công môi trường không còn là mối đe dọa mà gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân. Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái, tắc nghẽn cống rãnh, ngập lụt, xói mòn đất, thoái hóa đất đai, ứ đọng nước thải, hạn chế sự phát triển của cây trồng, đặc biệt có thể gây ung thư, gây độc cho con người… Đây là những tác hại mà túi ni lông gây ra cho môi trường sinh thái do việc sử dụng và phân hủy túi ni lông ở nhiệt độ cao.

Ở Việt Nam, Luật Môi trường Việt Nam đã có mục quy định về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thể ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc về chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thực hiện kế hoạch số 3574/KH-UBND ngày 21.12.2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Cấp ủy, Lãnh đạo phòng cảnh sát môi trường đã kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa, cụ thể:

– Phát động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của đơn vị, vận động người dân, người thân trong gia đình cùng thực hiện và nói không với sản phẩm từ nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Vận động mọi người tham gia trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã được làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông, vận chuyển tới nơi tái chế theo quy định.

 Tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải nhựa, túi ni lông tại cơ quan và khu vực xung quanh trụ sở. Bố trí riêng thùng rác thu gom các loại rác thải, vỏ hộp, vỏ chai nhựa tại trụ sở đơn vị nhằm nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn, phục vụ công tác thu gom, xử lý tái chế rác.

C:UsersHPDesktop60524479_2331122377162968_1350871389023764480_n.jpg

phân loại rác tại nguồn

– Quán triệt đến 100% CBCS các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành Công an về bảo vệ môi trưòng như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định sô 38/NĐCP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyết định số 2724/QĐ-BCA-H41 ngày 09/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường trong CAND.

– Làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đăc biệt trong lĩnh vực vận chuyển, chôn lấp trái phép rác thải từ nhựa và nilon trên địa bàn tỉnh.

Huy Lê – Phòng CSMT