A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh các loại rượu kém chất lượng dịp Tết Nguyên đán

Rượu là loại thức uống truyền thống phổ biến trong xã hội nước ta. Thời gian gần đây, các loại rượu giả, rượu kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều cùng tình trạng người dân ngộ độc rượu gia tăng đáng kể ở các địa phương trong cả nước đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về trách nhiệm của các cơ quan chức năng và ý thức phòng tránh của người dân, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

C:UsersAdministratorDesktopquan-ly-thi-truong-ha-noi-manh-tay-thu-giu-ruou-kem-chat-luong1489719908.jpg Rượu là thức uống truyền thống khá phổ biến và được nhiều người ưa chuộng, là loại đồ uống không thể thiếu trong dịp lễ Tết. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang gây nên những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không có cách phòng tránh hiệu quả.

Cảnh giác với các loại rượu sản xuất thủ công không đảm bảo chất lượng (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Hiệp hội rượu bia, nước giải khát, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế dẫn đến Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn. Nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng. Hệ luỵ xã hội nghiêm trọng của việc này không chỉ là những ca ngộ độc cấp tính xảy ra liên tục gần đây mà còn để lại những hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ và sức khoẻ của người dân Việt Nam.

Theo Cục An toàn thực phẩm-Bộ Y tế, giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn với 193 người mắc, 34 người chết và có 22/63 tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng ngộ độc rượu. Năm 2017, ghi nhận số ca mắc ngộ độc rượu tăng đột biến với 10 vụ khiến 119 người nhập viện và 11 người chết. Thống kê sơ bộ trong 11 tháng đầu năm 2018, cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong phần lớn là do ngộ độc rượu.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng rượu của người dân, nhiều cơ sở nấu rượu tư nhân đã ra đời. Năm 2017, cả nước có khoảng 328 cơ sở sản xuất lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/ năm và các hộ gia đình sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Theo ước tính, tại Việt Nam đến năm 2025, sản lượng rượu của cả nước có thể đạt 440 triệu lít được sản xuất công nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu: Do quy trình sản xuất không an toàn, chưa loại bỏ hết các độc tố gây ngộ độc trong rượu; do nguyên liệu sử dụng nấu rượu không đảm bảo chất lượng hoặc do ý thức chủ quan của người dân đã gây ra những những cái chết thương tâm không thể lường trước.

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định 105/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2018 của Chính phủ về kinh doanh rượu, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật bị cấm là: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, để đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như tâm lý chuộng rượu ngoại làm quà biếu của người dân, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, một số sai phạm phổ biến có nguy cơ gây ngộ độc cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như sản xuất rượu “nhái”, nhất là các loại rượu ngoại; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng rượu ngoại có giá thành rẻ để sản xuất các loại rượu ngoại giả với giá thành cao hơn; sử dụng các loại nguyên liệu, nguồn men nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm tăng độ cồn; pha chế cồn công nghiệp vào cồn thực phẩm để tăng nồng độ rượu; quảng cáo và bán các loại rượu có công dụng bồi bổ sức khỏe nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận…

Không chỉ gây ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng, rượu còn là nguyên nhân đáng kể dẫn tới nhiều vấn nạn tiêu cực của xã hội mỗi dịp Tết đến xuân về, trong đó nguy hiểm nhất là tình trạng tai nạn giao thông với những con số đáng báo động. Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong 07 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất năm 2018, cả nước xảy ra gần 220 vụ tai nạn giao thông, làm chết 195 người, bị thương 199 người với nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng rượu bia.

Khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu sử dụng rượu của người dân vào các hoạt động liên hoan, tiệc tùng, tiếp khách, làm quà biếu ngày càng nhiều. Để bảo vệ sức khỏe người dân trước tình trạng ngộ độc rượu tăng cao như hiện nay, lực lượng Công an cần đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đồng loạt ra quân rà soát, lên danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; thanh kiểm tra xử lý các loại rượu không nhãn mác, gian lận thương mại. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; đặc biệt, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, qua đó ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu ngâm các loại thảo mộc không rõ nguồn gốc gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và quan trọng hơn hết, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng ngừa, không uống quá nhiều rượu, không tự ngâm hoặc pha chế rượu một cách bừa bãi, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính, không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các loại rượu rẻ tiền. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh với không khí đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Khánh Vi