A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ký Quyết định số 50/2023/QĐUBND ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Các nội dung khác không quy định tại Quy chế này thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Việc phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc:

(1) Hoạt động phối hợp phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

(2) Đảm bảo sự chủ động của cơ quan chủ trì; sự phối hợp thường xuyên, kịp thời của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

(3) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; tập trung, thống nhất, không chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước đã được pháp luật quy định.

Các Nội dung phối hợp bao gồm:

Một là, Tổ chức triển khai, xây dựng, hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, Phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Ba là, Tham gia giải quyết, xử lý đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp giải trình, có nhiều tình tiết phức tạp, phạm vi rộng thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bốn là, Kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Năm là, Phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Sáu là, Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của tỉnh.

Bảy là, Thống kê về xử lý vi phạm hành chính.

Tám là, Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Phối hợp được thực hiện thông qua các hình thức: Trao đổi ý kiến bằng văn bản; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; tổ chức, tham gia họp liên ngành; hội nghị sơ kết, tổng kết công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thành lập, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

 

 

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan