A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật

Ngày 22 tháng 8 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2967/UBND-NC về việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Các sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

Trong quá trình rà soát, xử lý các văn bản của địa phương cần kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản do các cơ quan của Trung ương ban hành: Việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chương trình hành động số 59-CTr/TU ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 2888/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 59-CTr/TU ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nội dung rà soát, sửa đổi tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp; đất đai; nhà ở; phát triển thị trường bất động sản; giá; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và các mục tiêu lớn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chủ động theo dõi các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương ban hành có giao địa phương quy định chi tiết thi hành để nghiên cứu, kịp thời tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đồng thời tổng kết, đánh giá từ thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực để làm cơ sở tham mưu, đề xuất ban hành các giải pháp thi hành luật, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Chú trọng đối thoại với doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong phạm vi quản lý; bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc làm công tác pháp chế, pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để kịp thời kiến nghị đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.

Bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày ngày 18 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Trong quá trình triển khai, thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, tháo gỡ.

Sở Tư pháp thường xuyên đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh; kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện./.

 


Tác giả: Ban biên tập