A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình Nhân quyền

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về quyền con người, ngày 29/3/2023, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum có văn bản 494/STTTT-TTBCXB đề nghị các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình Nhân quyền. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị:

Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông; Cổng/Trang thông tin điện tử các cơ quan hành chính Nhà nước: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người.

Nội dung truyền thông trọng tâm, gồm:

Thứ nhất, Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 07 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên gồm (1) Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị; (2) Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; (3) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; (4) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; (5) Công ước về Quyền Trẻ em; (6) Công ước về Quyền của Người khuyết tật; (7) Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người.

Thứ hai, trọng tâm các Bộ luật và luật tác động trực tiếp đến nhận thức và hưởng thụ quyền của Nhân dân như: Bộ luật lao động sửa đổi, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật báo chí, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật an toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin... và việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên các lĩnh vực, những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đảm bảo quyền con người để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.

Triển khai trên cả 3 nội dung chính: Phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.

Đối với các sở, ngành, địa phương: Chủ động cung cấp thông tin về đảm bảo quyền con người thuộc lĩnh vực phụ trách cho các cơ quan báo chí, truyền thông theo qui định. Trong đó, tập trung nêu rõ thành tựu, kết quả đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí, internet, quyền của người dân tộc thiểu số, công tác xóa đói, giảm nghèo; biểu dương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Khai thác và chia sẻ các tin, bài, video, phóng sự... về thành tựu nhân quyền, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để chống phá đảng và Nhà nước từ các trang web điện tử, trang báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Công an Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng, và các website “nhanquyen.org”, fanpage “Nhân quyền Việt Nam”, “Tin tức vùng cao”...trên trang tin và các nền tảng mạng xã hội nhằm thông tin rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và người dân biết.


Tác giả: Thái Ngân