A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số: Một nhiệm vụ quan trọng

Dữ liệu cá nhân không chỉ là thông tin riêng tư mà còn là tài sản quý giá, trở thành đích ngắm của các tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao. Những tổ chức này đã áp dụng các phương pháp công nghệ hiện đại và phức tạp để thực hiện các cuộc tấn công mạng, mục đích là chiếm đoạt dữ liệu cá nhân cho các hoạt động phi pháp.

Hiện nay, pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân còn quy định các chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nếu có hành vi vi phạm, tùy vào mức độ nghiêm trọng thì cá nhân, tổ chức có thể phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật:

- Chế tài hình sự: Vi phạm các quy định về dữ liệu cá nhân có thể bị xử phạt hình sự, với án tù giam cao nhất là 07 năm. Cụ thể: Điều 159 Bộ Luật Hình sự quy định, việc “xâm phạm bí mật hoặc an ninh thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt tù tới 03 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù giam. Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay.

- Chế tài dân sự: Quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân (dữ liệu cá nhân) là một quyền dân sự, việc bảo vệ quyền này được coi là nguyên tắc trong pháp luật Dân sự. Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định: “Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Tại Khoản 2 điều này đã ghi nhận 5 hình thức chế tài dân sự: Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: a) Công nhận quyền dân sự của mình; b) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; c) Buộc xin lỗi, cải chính công khai; d) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; đ) Buộc bồi thường thiệt hại.

- Chế tài hành chính: Các hành vi vi phạm, xâm hại đến dữ liệu cá nhân có thể bị buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng các quy định trên chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, việc xử lý hành vi mua bán dữ liệu cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như: khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc dữ liệu cá nhân của người sử dụng (điểm c khoản 1 Điều 65); phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (điểm a khoản 4 Điều 66); phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (điểm a khoản 5 Điều 66).

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới dữ liệu cá nhân hiện còn đang thiếu, yếu về hiệu lực, chưa đủ sức răn đe, xử lý thích đáng đối với hành vi vi phạm. Đòi hỏi cần thiết bổ sung, sửa đổi, tập trung thống nhất các chế tài xử lý vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Sự phức tạp của không gian mạng hiện đại đòi hỏi pháp luật phải liên tục cập nhật để đối phó với các thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đồng thời cần có các biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn để răn đe và ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần đảm bảo an ninh thông tin quốc gia.

 


Tác giả: Hoàng Phúc