A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Luồng gió mới" ở vùng biên giới Kon Tum

Khắc ghi lời Bác dạy: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Sau khi Bộ Công an thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, các đồng chí Công an ở cơ sở đã thực sự “sống trong lòng dân” và là “chỗ dựa” tin cậy của Nhân dân. Và những cán bộ Công an tăng cường từ Bộ Công an về Công an tỉnh Kon Tum trong thời gian qua cũng đã minh chứng cho điều đó.

Tháng 10/2021, Bộ Công an ban hành kế hoạch điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công an về công tác tại Công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Đã có gần 400 cán bộ được điều động tăng cường về cơ sở, trong đó Công an tỉnh Kon Tum có 13 đồng chí được tăng cường. Điều đó đã thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp Công an và xây dựng lực lượng Công an xã chính quy.

"Luồng gió mới"

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn – cán bộ Cục An ninh nội địa, Bộ Công an rời Hà Nội vào nhận công tác tại xã Rờ Kơi, một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum. Rờ Kơi là xã biên giới đặc biệt khó khăn, xã quản lý 11,5 km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, địa bàn xã là nơi sinh sống của 18 dân tộc anh em. Những năm trước, đây là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự.

Dù đã có sự tìm hiểu địa bàn từ trước, nhưng Tuấn cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, kèm với một chút lo lắng khi đến một nơi ở mới khác xa với nơi mà trước giờ anh từng sinh sống. Thời gian đầu Tuấn gặp không ít khó khăn và thử thách, đặc biệt là trong việc tiếp xúc, làm quen với đồng bào nơi đây. Nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của đồng chí đồng đội mà anh đã trưởng thành hơn trong công tác thực tiễn ở cơ sở.

Trong một chuyến công tác tại địa bàn, tôi đã cùng Tuấn và Trưởng Công an xã đến tặng cho gia đình A Đảo 2 con heo giống. Trước đây, lợi dụng đức tin và thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc thiểu số, các đối tượng chống đối bên ngoài đã gây dựng A Đảo thành công cụ tích cực để các đối tượng xấu điều khiển, chỉ đạo các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước qua cái mà bọn chúng gọi là “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn trong một buổi trò chuyện với A Đảo

Cùng với các lực lượng Công an các cấp, Tuấn cùng anh em ở cơ sở đã thường xuyên gặp gỡ, vận động thuyết phục và cảm hóa những người từng lầm lỡ, đến nay A Đảo cũng như những bà con từng tin và nghe theo kẻ xấu đã trở về yên tâm phát triển kinh tế gia đình, sống tốt đời, đẹp đạo. A Đảo đã chia sẻ với tôi trong một lần gặp gỡ tại xã Rờ Kơi: “Ngày xưa thì nó khác, còn bây giờ thì nó khác. Mình tin tưởng nhau, chính quyền và nhân dân, nay có cuộc sống ổn định thì đi đây đi đó là cái gì nữa. Cảm ơn Công an các cấp đã tạo điều kiện để mình có cuộc sống ổn định”

Linh mục Luca Nguyễn Văn Mạnh – Chánh xứ Giáo xứ Rờ Kơi nhận xét thêm: “Sự có mặt của các đồng chí Công an chính quy đã làm thay đổi tình hình ở địa phương, giữa các đồng chí Công an với Giáo xứ luôn có sự phối hợp, các anh rất gần gũi và thân thiện và tạo sự tương quan giữa giáo dân và lực lượng Công an càng ngày càng gần gũi hơn, tôi thấy rất tích cực”.

Ở địa bàn xã Rờ Kơi, công tác vận động quần chúng, quan tâm giúp đỡ người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, người có uy tín trên địa bàn luôn được các đồng chí Công an xã hết sức quan tâm lưu ý. Có mặt tại nhà của ông A Yêu, xem các đồng chí Công an xã hướng dẫn cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID, tôi đã thấy được hình ảnh người chiến sỹ công an gần dân, sát dân, một hình ảnh đẹp ở vùng biên giới xa xôi.

Các đồng chí Công an xã hướng dẫn ông bà A Yêu sử dụng ứng dụng VNeID

Những ngày mới về làng, khó khăn lớn nhất của Tuấn là bất đồng về ngôn ngữ, chưa quen với phong tục tập quán sinh hoạt của bà con. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng sự gần gũi và đầy trách nhiệm, Tuấn đã cùng các đồng đội thuyết phục, giúp người dân chuyển biến về nhận thức, cùng tham gia bảo vệ biên giới, quản lý và bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Duy Lơ – Trưởng thôn Đắk Tang, xã Rờ Kơi chia sẻ: “Từ khi có các anh công an chính quy về địa phương thì rất gần dân và rất nhiệt tình trong công việc. Các đồng chí am hiểu trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong Ngành và trong cuộc sống đời thường của Nhân dân. Nhất là đối với chúng tôi, các đồng chí luôn phối hợp một cách rất hài hòa và nhịp nhàng để đảm bảo cuộc sống bình yên nơi biên giới cho chúng tôi”.

Đồng chí Tuấn cảm ơn sự phối hợp của ông Nguyễn Duy Lơ

Công an xã là lực lượng ở cơ sở, tất cả những việc dù lớn hay nhỏ của địa phương đều đến tay các anh. Thực tế đã cho thấy chủ trương đưa Công an chính quy về đảm nhận các chức danh Công an xã của Bộ Công an đã dần hoàn thiện và tạo được niềm tin của chính quyền địa phương và nhân dân. Ông Trần Lệnh Tuyến – Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: “Tất cả các thôn làng của chúng tôi đến thời điểm hiện tại đều đảm bảo về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự. Bên cạnh đó, năm 2017 bình quân thu nhập đầu người của người dân chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm nhưng đến cuối năm 2022 đã đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, xây dựng nông thôn mới đạt 13/19 tiêu chí, đó là một trong những việc lực lượng Công an xã góp phần cùng lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh”.

Có ý kiến cho rằng, 2 năm các anh tăng cường về cơ sở là hơi ngắn, thời gian đó các anh mới chỉ kịp làm quen với địa bàn, nắm đối tượng, trong khi đó ở những nơi khó khăn như thế này rất cần trình độ, năng lực và nhiệt huyết của các anh. Trong lúc làm việc, tôi đã hỏi Tuấn về nội dung trên và được anh chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì khi Đảng, Nhân dân và Ngành giao cho. Không phải chỉ với cương vị công tác ở đây thì mới đóng góp được những công sức, những ý kiến, những kinh nghiệm của mình cho Công an xã cũng như cho chính quyền sở tại. Mà ở góc độ công tác khác, chức năng nhiệm vụ khác khi trở lại Bộ Công an thì chúng tôi cũng sẽ có những đóng góp ở những phương diện khác và lúc đó sẽ tạo sự toàn diện để thực hiện tốt công tác Công an”.

Tình cảm của bà con dành cho đồng chí Tuấn

Dù sau khi trở về Bộ Công an với vị trí công tác nào thì vẫn sẽ để lại cho Tuấn nhiều cảm xúc, nhiều kinh nghiệm, điều mà anh khó quên nhất có lẽ đó là tình cảm của người dân Tây Nguyên đối với lực lượng Công an ở cơ sở nói chung và lực lượng Công an tăng cường từ Bộ nói riêng. Những hình ảnh về một người chiến sỹ Công an “Khi dân cần, khi dân khó có Công an” sẽ mãi được lưu truyền ở vùng đất biên giới xa xôi này.

Điểm tựa bình yên

Cùng về tăng cường với Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Thượng úy Đồng Sỹ Hùng, cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động được bố trí công tác tại địa bàn xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, một xã biên giới của tỉnh Kon Tum với đường biên dài 12 km giáp với nước bạn Lào. Tại đây, đồng chí Hùng đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, tập trung nghiên cứu địa bàn và sớm thích nghi với môi trường công tác mới.

Ông Bloong Hâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Khi có lực lượng Công an chính quy về thì mọi mặt của đời sống xã hội ở địa phương đã ổn định hơn nhiều so với trước. Trong thời gian qua lực lượng Công an chính quy của xã đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như giữ vững quốc phòng an ninh của địa phương”.

Với năng lực của mình, đồng chí Hùng đã giúp chỉ huy Công an xã trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, ban hành chương trình kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tham mưu cho lãnh đạo các cấp và trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Đồng chí cũng đã tham gia các buổi tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình địa bàn nhầm phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trực tiếp vận động bà con cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ trật tự an toàn xã hội của buôn làng.

Nhận xét về đồng chí Hùng, Thiếu tá Xiêng Lăng Thiệp – Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Ngọc Hồi cho biết: “Riêng đồng chí Đồng Sỹ Hùng, cán bộ tăng cường từ Bộ Công an, sau khi tăng cường về cơ sở, đồng chí đã nhanh chóng hòa nhập với công việc tại địa bàn, đã thường xuyên xuống địa bàn, nghiên cứu phong tục, tập quán của người dân địa phương, thể hiện tinh thần đoàn kết cùng với cán bộ chiến sĩ, chấp hành rất tốt chủ trương, điều lệnh của lãnh đạo Công an huyện cũng như chỉ huy Công an cấp ”.

Đồng chí Hùng cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng trong một buổi tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí

Những năm trước, xã Đăk Dục biết đến là điểm nóng về tình trạng sử dụng vũ khí tự chế trái phép, chủ yếu sử dụng vào mục đích săn bắn thú rừng. Hành vi này đã gây ra những nguy cơ trong đời sống cộng đồng, qua công tác tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục vũ khí tự chế các loại đã được người dân giao nộp. Theo chân các đồng chí Công an xãBộ đội Biên phòng, chúng tôi đến nhà của Chư Rum Xía ở thôn Dục Nhầy 1, qua công tác vận động, Chư Rum Xía đã tự nguyện giao nộp vũ khí mà anh hay dùng để đi săn bắn thú rừng. Thời gian qua, không riêng Chư Rum Xía, nhiều người ở vùng biên này đã từng bước thay đổi thói quen sử dụng các vũ khí tự chế nguy hiểm này.

Thượng úy Đồng Sỹ Hùng đến tận nhà trao CCCD cho già làng A Nghen

Nhân chuyến đi xuống cơ sở, đồng chí Hùng đã tranh thủ ghé thăm và trao căn cước công dân (CCCD) cho già làng A Nghen ở thôn Nhục Dầy 3. Từ khi có chủ trương làm CCCD mới đến nay, mọi việc đều có anh em Công an xã hỗ trợ, khi người dân cần các anh luôn có mặt, cách làm việc tận tụy, ân cần như đối với người thân đã từng ngày xây dựng một mối quan hệ gần gũi và bền chặt. Khi người dân tin yêu, những việc khó khăn đến mấy cũng trở thành đơn giản, “gần và sát dân” đó là điểm tựa cho những thành công trong công tác nắm địa bàn.

Thượng úy Đồng Sỹ Hùng chia sẻ: “Bản thân tự nguyện đi tăng cường về các xã biên giới, tôi mong muốn về gần gũi với bà con, để tiếp xúc với bà con, để xem cuộc sống của bà con, về các phong tục tập quán và đời sống của bà con nơi biên giới như thế nào. Thời gian công tác ở đây có thể là một trong những khoảng thời gian không thể quên được trong cuộc đời làm Công an của tôi. Vừa rồi có chủ trương là tôi đã tự nguyện đăng ký phục vụ lâu dài ở cấp cơ sở tại các xã biên giới thuộc Công an tỉnh Kon Tum”.

Lực lượng Công an xã trao đổi công tác với già làng Bloong Rum

Khi quyết định ở lại công tác lâu dài, Thượng úy Đồng Sỹ Hùng đã đón nhận những tình cảm sâu đậm, gắn kết mặn nồng của đồng bào Dẻ - Triêng nơi miền biên giới này. Đồng chí Hùng là một trong ba cán bộ tăng cường đã được Bộ Công an đồng ý bố trí công tác lâu dài tại Công an tỉnh Kon Tum. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Bộ Công an đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã, vùng biên này đã từng bước ổn định, người dân ngày càng tin tưởng, mối quan hệ quân dân ngày được gắn chặt thêm, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ngày càng cải thiện rõ rệt.

Tại buổi làm việc với Công an tỉnh Kon Tum vào ngày 30/11/2023, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh phải quan tâm, tăng cường mọi mặt để đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở: “Tăng cường triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự từ cơ sở, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đây là một yêu cầu rất cao, chúng ta phải lấy địa bàn ở cơ sở làm pháo đài, làm nòng cốt, phải tập trung vào địa bàn cơ sở, đây là nơi để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh đến với dân”.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo các mặt công tác tại Công an tỉnh Kon Tum

Chủ trương điều động cán bộ từ các cơ quan Bộ về các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự không phải chỉ để bổ sung, tăng cường lực lượng cho Công an xã mà đồng thời còn tạo điều kiện để các đồng chí được trải nghiệm, rèn luyện thử thách, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn, những đồng chí ấy khi về cơ sở đã để lại trong lòng Nhân dân những ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “ nước quên thân, vì dân phục vụ”./.

 


Tác giả: Tấn Bình