A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

Trong di sản tinh thần vô giá để lại cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhân dân là lực lượng đông đảo, nhạy bén, giúp đỡ hiệu quả cho lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo tạo sức mạnh to lớn đấu tranh, trấn áp kẻ thù và bọn tội phạm.

 Hồ Chí Minh khẳng định quần chúng nhân dân là lực lượng quyết định trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Người cho rằng dù Công an có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì vẫn còn ít lắm so với lực lượng ở nơi dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Năm vanj cặp mắt và năm vạn đôi bàn tay thì không thể tạo được “thiên la địa võng”, không thể chống chọi được với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của kẻ địch và bọn tội phạm, chúng có trăm phương nghìn kế để chống phá cách mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân, không khéo sẽ thất bại. Do vậy, “phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại”.

C:\Users\Administrator\Desktop\tải xuống.jpg

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ là bài học quý giá

Trong trận tuyến bảo vệ an ninh, trật tự, kẻ thù và bọn tội phạm rất xảo quyệt, chúng có trăm phương, nghìn kế để chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp đổi mới của dân tộc ta. Nhưng theo Hồ Chí Minh, dù chúng có mưu mô như thế nào thì cũng không thể nào thắng được lực lượng to lớn của nhân dân. Người nói “dù tinh ranh quỷ quyệt mấy, tình báo địch cũng không thể che giấu được hàng trăm triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân”.

Quần chúng nhân dân có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cảnh giác cách mạng cao.

Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Lòng tốt đó trước hết phải kể đến là lòng yêu nước nồng nàn. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng biết bao quân xâm lược, giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà kháng chiến của ta ngày càng mạnh, quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với gậy tầm vông và súng hỏa mai lúc đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch…. và đến hôm bay cũng với lực lượng ấy ta làm nên nhiều thành tựu to lớn. Cũng chính vì thể, Người khẳng định: “Lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần cảnh giáccủa nhân dân, cộng với sự cố gắng của Bộ đội và Công an-là cái lưới (thiên la địa võng), bất kỳ bọn phá hoại nào, bọn mật thám nào cũng không lọt được cái lưới ấy của nhân dân”.

Quần chúng nhân dân là lực lượng có trí tuệ và nhiều sáng kiến.

Người chỉ rõ: “Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều”. Vì khôn khéo, thông minh nên “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Công an phải tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân. Nếu biết tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết, tổ chức được trí tuệ và lực lượng đó thì việc gì khó đến mấy cũng làm được. Từ đó, Người yêu cầu: “Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào sáng kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”. Cũng vì nhân dân có rất nhiều kinh nghiệm và sáng kiến enne khi nói về công tác huấn luyện và học tập, Người cho rằng, học tập nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều đối tượng như ở trường học, học ở sách vở, học lẫn nhau, nhưng “không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.

Khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”. Trong 6 điều không nên và nên làm, Người nói: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”. Vì theo Người, “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì ta thắng lợi hoàn toàn”. Dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vừa là đường lối, vừa là biện pháp rất cơ bản, vừa là nhân cách, lẽ sống, lý tưởng của Công an. Vì vậy, Người đã chỉ rõ: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Theo Người sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc cần phải có tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng. Khi quần chúnh đã hiểu quyền và nghĩa vụ của mình thì phải để quần chúng tự giác thực hiện quyền, nghĩa vụ đó, lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn, quần chúng tự giúp quần chúng vì họ là chủ. Người nhấn mạnh vai trò làm chủ đó của nhân dân: “Cứ chờ Đảng, chờ Chính phủ giúp đỡ thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ý lại, mà phải tự lực cánh sinh”. Tại Hội nghị cán bộ Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân, Người nhắc nhở: “Cán bộ phải tránh bao biện, phải giác ngộ cho quần chúng họ tự quyết tâm đấu tranh đòi quyền lợi của mình, lúc đó họ mới động lên được. Cán bộ không thể làm thay cho quần chúng, ban ơn cho quần chúng”. Đối với nông dân thì cũng phải tự lực làm lấy công việc của chính mình để bảo vệ an ninh Tổ quốc: “Nông dân phải tổ chức dân quân và Công an xã để giữ lấy quyền lợi của mình, để ngăn ngừa Việt gian, gián điệp, không để chúng nó phá”. Với những luận cứ đó, Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ vị trí, vai trò chủ thể của nhân dân, chủ thể của hành động, chủ thể sáng tạo, xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc chứ không phải là một phương tiện, công cụ sử dụng.

Quần chúng nhân dân là gốc của cách mạng, là nền tảng, là người chủ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong xã hội, địa vị cao nhất là nhân dân, vì dân là chủ, bởi dân có lực lượng, quyền hành và nhiều sáng kiến. Điều đó đủ hiểu vì sao bài học lớn nhất của cách mạng nước ta là bài học “lấy dân làm gốc”. Tiếp thu truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh hiểu rõ và khẳng định sức dân là sức sáng tạo ra lịch sử. Mọi việc to nhỏ, từ làm ra cái ăn, cái mặc hằng ngày cho đến cải biến tự nhiên, sáng tạo xã hội, xây dựng thể chế, phát triển sản xuất, kinh tế và văn hóa đều do lao động của dân làm ra. Kháng chiến kiến quốc đều dựa vào sức dân mà thực hiện được. Có dân thì có vất vả, việc khó mấy cũng được giải quyết. Đó là chân lý.

Trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác Lê-nin, Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ hơn vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nước ta, quần chúng nhân dân không những là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng mà còn là lực lượng quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc là bài học quý giá để lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng, gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy vai trò, sức mạnh đoàn kết to lớn của nhân dân trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, quan trọng hàng đầu, giúp lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ an ninh Tổ quốc được Đảng, Nhà nước giao phó./.

Khánh Vi