A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng phương án chữa cháy (Một trong những giải pháp chủ động phòng tránh cháy, nổ xảy ra tại cơ sở)

 

          Chỉ tính trong thời gian ngắn từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều vụ cháy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong cả nước điển hình là vụ cháy ngày 04/01/2014 tại cơ sở kinh doanh tạp hóa và sửa chữa xe đạp phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, làm 2 người chết; vụ cháy vào khoảng 19 giờ ngày 07/01/2014, tại tiệm tạp hóa Vân Nhi xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho đã thiêu rụi toàn bộ tài sản của cơ sở hay vụ cháy xảy ra lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 09/02/2014, tại cửa hàng tạp hóa Định Thức (thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) do anh Đào Công Định làm chủ, đã thiêu rụi toàn bộ căn nhà và cửa hàng, thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng…Tại tỉnh Kon Tum chỉ tính trong đầu năm 2014 đến nay đã xảy ra 03 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa và nhà dân. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào lúc 6 giờ 40 phút, ngày 02/01/2014 tại dãy nhà tạp hóa và nhà dân (gồm 06 gian nhà) ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo và đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Kon Tum, vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 9 tỷ đồng. Vụ cháy xảy ra lúc 2 giờ 25 phút, ngày 09/5/2014 tại cơ sở kinh doanh Hoa tươi và bánh kem Phương Linh số 676, Duy Tân, thành phố Kon Tum, cháy bùng phát nhanh, cháy lan ra toàn bộ căn nhà khoảng 120m2, do công trình chỉ có 01 lối thoát duy nhất làm bằng cửa cuốn điện nên khó khăn cho việc thoát nạn và tham gia chữa cháy, vụ cháy không thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 200 triệu đồng. Vụ cháy nhà bà Nguyễn Thị Thu Tâm ở 343 Hoàn Thị Loan, thành phố Kon Tum, lúc 8 giờ 47 phút ngày 12/5/2014 thiệt hại về tài sản khoảng 6 triệu đồng.

 

alt

alt

Vụ cháy tại các dãy nhà tạp hóa và nhà dân (gồm 06 gian nhà) ở Ngã tư

đường Trần Hưng Đạo và đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Kon Tum

 

Nguyên nhân xảy ra cháy ở địa bàn TP Kon Tum nói trên là tại các cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa với việc bố trí nhiều loại chất cháy khác nhau, sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, lấn chiếm các lối đi lại… Bên cạnh đó việc sử dụng nhiều loại thiết bị tiêu thụ điện công suất cao, thắp nhang thờ cúng và sử dụng ngọn lửa trần tại khu vực kinh doanh nên rất dễ dẫn đến sự cố cháy, nổ xảy ra.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới ngoài việc thực hiện các biện pháp an toàn về PCCC theo quy định thì người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chủ động xây dựng “ Phương án chữa cháy của cơ sở” theo mẫu số PC10 Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BCA ngày 12/3/2014. Phương án đề ra các biện pháp phòng cháy phù hợp và chủ động lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy kịp thời có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

 

                                             Viết Công  (Phòng CS PCCC và CN, CH)