A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quan tâm, tạo điều kiện phối hợp giúp đỡ của ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; công tác dân vận được các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Cùng với đó, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia giúp Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Nhiều chương trình, mô hình tiếp tục được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Giảm hộ nghèo bền vững” và mô hình “Giúp đỡ học sinh nghèo tới trường” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; mô hình “Đơn vị dân vận khéo - hạnh phúc cùng thôn, làng”, mô hình “Nhà tình nghĩa an - dân”, mô hình “24 giờ trải nghiệm” và mô hình “Hành quân xây dựng cơ sở” của Công an tỉnh; mô hình “Bồi dưỡng kiến thức sống và hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bộ đội trước khi xuất ngũ”, mô hình “Ngôi nhà đoàn kết quân dân” của Sư đoàn bộ binh 10/QĐ3; mô hình “Phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người dân tộc thiểu số kết nghĩa giúp hộ người dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới”, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh; mô hình “Gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, mô hình “Ngôi nhà nghĩa tình” của Công ty 732, Công ty 78/Binh đoàn 15; mô hình “Vì em hiếu học” của Chi nhánh Viettel Kon Tum...

​​ ​​Xây dựng các mô hình tự quản tại các đơn vị 
 Tổ chức các hoạt động thiện nguyện

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, nắm bắt tình hình nhân dân ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời. Công tác phối hợp tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân trên địa bàn có lúc, có nơi hiệu quả còn chưa cao, nhất là trong việc làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; giúp dân xóa đói, giảm nghèo; tham gia xây dựng nông thôn mới; phòng chống các tệ nạn xã hội. Công tác phối hợp hoạt động và trao đổi thông tin giữa các đơn vị lực lượng vũ trang với các cơ quan, ban, ngành địa phương trong hoạt động công tác dân vận có lúc chưa thường xuyên.

Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng về công tác dân vận của một số cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành địa phương chưa cao; một số cán bộ làm công tác dân vận còn hạn chế về trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; cơ chế phối hợp hoạt động về công tác dân vận chưa đồng bộ…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh nhà, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, phải xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; hằng năm, đưa nội dung công tác dân vận vào nghị quyết lãnh đạo của từng đơn vị, địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận. Tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết, Chỉ thị Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy về công tác dân vận; trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2015 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quy chế số 07-QC/TU, ngày 28-02-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phối hợp thực hiện công tác dân vận của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; Chương trình số 02-CTr/BDVTU-LN, ngày 07-5-2021 về phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026.

Hai là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác của người dân. Chú ý tập trung tuyên truyền ở các “điểm nóng”, “địa bàn trọng điểm, phức tạp”; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền. Chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.

Ba là, tiếp tục tham mưu xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở vững mạnh; nâng cao khả năng tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Phối hợp làm tốt công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm. Phát huy tốt vai trò của các già làng, những người có uy tín trong các dòng họ, chức sắc, chức việc tôn giáo, Hội cựu chiến binh, Hội ng­ười cao tuổi... nhằm bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Bốn là, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tại các đơn vị, địa phương bảo đảm đủ số lượng, có kiến thức, trình độ, năng lực làm công tác dân vận, nắm vững pháp luật, phong cách làm việc gần dân, trọng dân, có văn hóa ứng xử đúng mực đúng với phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”.

Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các đơn vị lực lượng vũ trang gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước khác. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận; tập trung thực hiện các quy chế phối hợp đã được ký kết về công tác dân vận. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”./.


Tác giả: Quang Thắng
Tin liên quan