A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về Nhần quyền tỉnh Kon Tum

Ngày 31/5/2023, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh ban hành Quyết định số 1610/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. 

 Theo đó, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Kon Tum thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định tại Quyết định số 203/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Chỉ đạo sẽ kiện toàn, bổ sung các thành viên Ban Chỉ đạo nhằm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

          Quy chế này quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng, tổ chức, hoạt động, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo; nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Thường trực và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo. Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và các cơ quan, địa phương liên quan trong quá trình phối hợp công tác.

          Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại Công an tỉnh, do 01 đồng chí lãnh đạo Phòng Tham mưu - Công an tỉnh đảm nhiệm vai trò Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo và một số cán bộ chuyên trách giúp việc.

Thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, do 01 đồng chí lãnh đạo Phòng Tham mưu - Công an tỉnh là Tổ trưởng và các thành viên là đại diện lãnh đạo cấp phòng (hoặc tương đương) thuộc các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh khi Trưởng ban ký; sử dụng con dấu của Công an tỉnh khi Phó Trưởng ban Thường trực và Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ký.

        Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh làm việc theo chế độ tập thể; đề cao trách nhiệm cá nhân của Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất họp Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, đề ra phương hướng công tác, giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến dân chủ, nhân quyền cần xin ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với các vụ việc, vấn đề cần xử lý ngay, các cơ quan trao đổi với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo để báo cáo, tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý.  

          Theo Quyết định, Trưởng ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo và quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo; chỉ đạo thành lập và phân công nhiệm vụ cho Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; chỉ đạo xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; quyết định triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và ký các văn bản của Ban Chỉ đạo (trừ báo cáo định kỳ hàng tháng/quý/năm của Ban Chỉ đạo). Tổ chức phối hợp hoạt động giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, giữa Ban Chỉ đạo với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để thực hiện nhiệm vụ.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo là Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách công tác An ninh giúp Trưởng ban và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về hoạt động của Văn phòng Thường trực và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Thường trực và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; xử lý công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; điều hành công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền gây phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Điều hành, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại của Ban Chỉ đạo. Phê duyệt báo cáo định kỳ tháng/quý/năm và các văn bản khác của Ban Chỉ đạo (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo thống nhất); chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo sự ủy nhiệm của Trưởng ban. Điều hành công việc của Ban Chỉ đạo khi Trưởng ban đi vắng hoặc được ủy quyền; báo cáo Trưởng ban những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Phó Trưởng ban Thường trực.  

          Các ủy viên Ban Chỉ đạo giúp Trưởng Ban Chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình, thực hiện và phát hiện khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành mình; kiến nghị, đề xuất tham mưu Ban Chỉ đạo phương hướng giải quyết; triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công. Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị đóng góp ý kiến tham luận trong chương trình họp của Ban Chỉ đạo về các vấn đề trọng tâm trong công tác nhân quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ về tình hình, kết quả công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gửi về Ban Chỉ đạo (qua Văn phòng Thường trực) đúng quy định.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các chủ trương, chiến lược, phương hướng, đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong phạm vi toàn tỉnh; nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ và tình hình thực tiễn tại địa phương.

          Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện công tác nhân quyền theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Tham mưu Phó Trưởng ban Thường trực báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác nhân quyền tại các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương. Giúp Ban Chỉ đạo chuẩn bị tài liệu, đề xuất và triển khai cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan trong thực hiện giải pháp xử lý các vấn đề liên quan nhân quyền trên địa bàn tỉnh. Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác nhân quyền định kỳ và theo chuyên đề; xây dựng báo cáo thường xuyên và đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực theo quy định. Đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác nhân quyền.

     

         

 

 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan