A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trách nhiệm chính trị, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông

         Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá, nhận xét tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

         Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kế hoạch số 104-KH/TU, ngày 07-7-2023 về triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 22-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trách nhiệm chính trị, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông theo quy định. Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý, cấp biển số phương tiện giao thông; phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông. Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, các phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn tỉnh; kiên quyết yêu cầu đình chỉ, dừng hoạt động đối với các phương tiện không đủ điều kiện để hoạt động, hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.

Quản lý chặt chẽ trong hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn (Ảnh: VP)

Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành trang an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và “điểm đen” trên các tuyến giao thông.

Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ tỉnh đến xã theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Thường xuyên đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phối hợp liên ngành giữa các lực lượng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục xây dựng, đào tạo, phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của đội ngũ thực hiện công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về giao thông vận tải, trật tự an toàn giao thông đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá, nhận xét tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

 


Tác giả: Khánh Vi