A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá

UBND tỉnh ban hành Công văn số 2199/KH-UBND ngày 12/7/2023 thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, hành động của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện đúng quy định. Các cấp, các ngành xác định cụ thể các mục tiêu, nội dung công việc, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; bảo đảm người dân được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá. Với mục tiêu là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

Kết quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2022 - Cổng thông  tin điện tử tỉnh Kon Tum

Mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá (Ảnh minh họa)

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023 – 2025: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. 

Trong giai đoạn 2026 – 2030: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra, cần tập trung thực hiện 07 giải pháp: Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường hợp tác quốc tế.

UBND tỉnh giao Sở Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh) là đầu mối phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị, đoàn thể thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, đảm bảo thực hiện đảm bảo các mục tiêu, đầy đủ nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, phân công trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo (nếu cần thiết).

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện: Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiên cứu, đánh giá về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới; phổ biến, cung cấp thông tin rộng rãi các văn bản, tài liệu hướng dẫn về phòng, chống tác hại của thuốc lá; kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các quy định phù hợp pháp luật hiện hành.

Đào tạo nâng cao năng lực về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phát triển dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc chi trả cho điều trị, tư vấn cai nghiện thuốc lá từ Quỹ bảo hiểm y tế khi có quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị, đoàn thể thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố giám sát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này, tổng hợp, định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định; định kỳ tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này; đề xuất các chế độ, chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định, hướng dẫn của Trung ương (nếu có).

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương, đơn vị liên quan đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án khác của tỉnh. Hàng năm xây dựng và ban hành phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Khánh Vi