A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng Cảnh sát giao thông góp phần đảm bảo TTATGT, trật tự công cộng, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại (giai đoạn 1954-1964)

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội; trong giai đoạn lịch sử này, các lực lượng CSGT được thành lập, tham gia tiếp quản thủ đô Hà Nội, các thành phố, thị xã miền Bắc, sự có mặt tích cực của lực lượng giao cảnh ngay từ những ngày đầu ở thành phố, thị xã mới giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp đã góp phần  tạo điều kiện cho Ban quân quản, chính quyền cách mạng sớm ổn định, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương, nhất là TTATGT, trật tự công cộng và các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại:

Trên lĩnh vực đường sắt: Ngày 10/10/1954, hoàn thành việc tiếp quản thủ đô Hà Nội và cũng trong ngày, chuyến tàu đầu tiên chạy từ ga Hàng Cỏ sang Gia Lâm được Công an đường sắt (Hỏa xa) bảo vệ an toàn. Để phục vụ tiếp quản, khôi phục tuyến đường sắt, ngày 28/9/1957, liên Bộ Công an – Giao thông vận tải Bưu điện đã ký Nghị định 01/LB về thành lập Ty Công an đường sắt trực thuộc Tổng cục đường sắt như một Ty Công an cấp tỉnh, chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Bộ Công an. Về tổ chức gồm 05 Ban, 18 đồn; về biên chế gồm 700 CBCS. Việc ra đời Ty Công an đường sắt đã đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp quản, khôi phục tuyến đường sắt và phát triển kinh tế.

Trên lĩnh vực đường bộ: Ngày 28/7/1956, Chính phủ ban hành Nghị định 892/NĐ đổi tên lực lượng Trị an Dân cảnh và Vụ Trị an Dân cảnh thành lực lượng Cảnh sát nhân dân và thành lập Cục Cảnh sát nhân dân. Tiếp đó, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 34-LCT công bố Pháp lệnh “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam”. Pháp lệnh chỉ rõ lực lượng Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ “đảm bảo TTATGT vận tải đường bộ, quản lý các loại xe và những người lái xe…” Thực hiện Pháp lệnh này, lực lượng CSGT đã tiến hành nhận bàn giao công tác đăng ký, quản lý xe và lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải chuyển sang, tổ chức triển khai hoàn thiện trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 10/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư 1001/TTg xác định rõ hơn tổ chức ngành Cảnh sát nhân dân, trong đó có CSGT phụ trách quản lý giao thông trong thành phố…; ở cơ quan Bộ Công an, CSGT thuộc phòng Trị an Dân cảnh (gọi tắt là phòng 5); ở địa phương, tỉnh, thành phố, CSGT thuộc phòng hoặc Ban Trị an Dân cảnh. Lực lượng CSGT đường bộ triển khai thực hiện đăng ký, quản lý xe xích lô, xe đạp, xe máy; tham mưu cho Bộ ban hành và triển khai Thông tư liên ngành với Bộ giao thông vận tải Bưu điện, ban hành thể lệ tạm thời về vận tải đường bộ, tổ chức tiếp nhận bàn giao công tác đăng ký, quản lý các loại phương tiện trước đây Chính phủ giao cho ngành giao thông quản lý, triển khai việc tổ chức điều khiển giao thông, quy định cụ thể các loại đèn tín hiệu giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, góp phần quan trọng quản lý TTATGT, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đáp ứng yêu cầu khôi phục phát triển kinh tế xã hội.

Trên lĩnh vực đường thủy: Song song với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ – đường sắt thì nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông đường thuỷ trên các tuyến sông, biển cũng hết sức quan trọng. Trước tình hình trên, ngày 22/9/1955, Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 715 /TC.CB về việc thành lập Quận Công an trên sông khu vực Hải Phòng. Ngay từ khi được thành lập, Quận Công an trên sông Hải Phòng đã phát huy tác dụng trong việc đảm bảo TTATGT đường thuỷ, phục vụ tốt việc bảo vệ an ninh, trật tự, chuyển quân tập kết và đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam bằng đường biển.

 

Thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng – Hải Phòng tuần tra bảo vệ vùng biển


Với những kết quả đạt được và từ kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của Quận Công an trên sông Hải Phòng, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội thành lập Trạm Công an trên sông Phà Đen; Công an Phú Thọ lập Trạm Công an trên sông Bạch Hạc (Việt Trì); Công an Nam Định thành lập Trạm Công an trên sông Nam Định… Công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng và tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm được tăng cường, đạt nhiều kết quả, góp phần ngăn ngừa, hạn chế TNGT đường thuỷ xảy ra.


Thái Ngân (Phòng Tham mưu)