“Ủy ban Bảo vệ Ký giả” và những thông tin sai sự thật
“Ủy ban Bảo vệ Ký giả” là tổ chức được thành lập năm 1981 với tên viết tắt tiếng Anh là CPJ (Committee to Protect Journalists) có trụ sở ở New York, Mỹ. Ban đầu khi thành lập, CPJ đề ra tôn chỉ, mục tiêu “thúc đẩy tự do ngôn luận trên toàn thế giới thông qua hoạt động bảo vệ quyền đưa tin và nền tự do báo chí trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan”… Với tôn chỉ, mục tiêu đầy tính nhân văn, tốt đẹp để bảo vệ tiếng nói của các nhà báo, CPJ đã từng được kì vọng sẽ là một tổ chức hướng thiện với những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng một thế giới hòa bình không có chiến tranh. Song, trong thực tiễn, từ năm 2008 đến nay, dư luận liên tiếp cáo buộc CPJ đã bị lũng đoạn nhằm phục vụ mưu đồ chính trị riêng; trong đó có các hoạt động xuyên tạc, đưa ra những nội dung sai lệch, hoàn toàn trái ngược với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hoàn toàn bác bỏ thông tin sai sự thật do CPJ đưa ra
Ngày 10/02/2008, CPJ đưa ra cái gọi là “Bản phúc trình về tình trạng đàn áp ký giả trên khắp thế giới trong năm 2008”, trong đó có nội dung xuyên tạc cho rằng năm 2008, Việt Nam đã “đàn áp nhiều ký giả, những người viết nhật ký trên mạng (tức blogger), ngăn chặn mọi trang web hoặc vô cớ bắt giam và thu hồi thẻ nhà báo của một số phóng viên”… CPJ còn đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do báo chí, đặc biệt là hoạt động quản lý Internet, blog ở Việt Nam, nhiều lần tung tin bịa đặt xuyên tạc “Việt Nam đàn áp dân chủ, nhân quyền hoặc bịt miệng đối lập” để kích động chống phá Việt Nam. Điều đáng nói rằng, tất cả những luận điệu CPJ đưa ra hoàn toàn trái ngược, thậm chí bất chấp những thành tựu về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền hoặc tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam mà thực tiễn đã minh chứng rõ ràng. Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, ngày 23/8/2001 của Chính phủ Việt Nam khẳng định Nhà nước Việt Nam có chính sách quản lý phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập, kết nối Internet, từng bước giảm giá cước đến mức bằng hoặc thấp hơn mức bình quân của các nước trong khu vực nhằm phổ cập nhanh Internet ở Việt Nam. Sau gần 10 năm chính thức triển khai dịch vụ Internet đã có được những thành tựu vượt bậc. Tính đến tháng 6/2008, ở Việt Nam đã có gần 20 triệu người, chiếm hơn 23% dân số sử dụng dịch vụ Internet; tốc độ tăng trưởng dung lượng kênh Internet/người dùng của Việt Nam tiếp tục duy trì đạt đến mức 200%-250%, xếp thứ 2 thế giới. Việt Nam cũng được nhìn nhận là quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển nhanh nhất. Đối với vấn đề tự do báo chí, ở Việt Nam, báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của cá nhân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí.
Tại thời điểm Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ nhóm đối tượng cầm đầu tổ chức khủng bố Việt Tân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ khủng bố, phá hoại, trong nhóm này có đối tượng Khunmi Somsak (tên gọi khác: Nguyễn Hải, Nguyễn Quốc Hải, Nguyễn Quang Phục, Lương Ngọc Bang), sinh sống tại Thái Lan trước khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Mặc dù Cơ quan An ninh Việt Nam đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi khủng bố của Khunmi Somsak nhưng vì động cơ, mục đích xấu nên CPJ lập tức gán cho y danh nghĩa “nhà báo” (mặc dù chính đối tượng đã khai nhận y chỉ là tên khủng bố chuyên cầm súng thạo hơn việc cầm bút) rồi từ đó lấy cớ can thiệp, đòi trả tự do cho “nhà báo” Khunmi Somsak. Điều vô lý hơn, CPJ “ra rả” tuyên truyền rằng Khunmi Somsak đã giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Vân (thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân) “thực hiện nhiều phóng sự về nông dân biểu tình ở Việt Nam…” nhưng trong thực tế Khunmi Somsak sống thường xuyên ở Thái Lan thì sao có thể giúp làm “phóng sự” ở Việt Nam?
Không dừng lại ở đó, vừa qua, CPJ tiếp tục ra báo cáo cho rằng Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí truyền thông nhiều nhất. Trước vấn đề này, tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 12/9/2019 vừa qua, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã hoàn toàn bác bỏ thông tin này bởi đây là những thông tin không chính xác, sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định) các văn bản và luật liên quan. Không những vậy, hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác; bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động thù hằn dân tộc.
Trước những thông tin sai sự thật về tình hình thực tiễn tại Việt Nam do CPJ đưa ra, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lợi dụng, tác động tin theo và không chia sẻ, lan truyền những thông tin này gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của Việt Nam và gây ra những hệ lụy khôn lường khác.
Tổng hợp