A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai các tổ công tác đặc biệt để kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Theo Cục CSGT, từ ngày 30/8 đến 5/10, 6 tổ công tác đặc biệt của Cục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công An thực hiện nhiệm vụ tại 45 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, qua công tác tuần tra, các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm. Trong đó liên quan đến nồng độ cồn có 5.053 trường hợp, 44 tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Tổ công tác số 3 Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Kon Tum tiến hành tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn và trật tự, an toàn giao thông

Việc kiểm soát, xử lý vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được thực hiện nghiêm khi có tới 192 trường hợp người vi phạm là đảng viên, cán bộ đang công tác tại cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang bị phát hiện. Những trường hợp này ngoài bị xử lý vi phạm hành chính, các tổ công tác CSGT sẽ gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.

Uống rượu bia khi tham gia giao thông không chỉ là một hành vi vi phạm luật mà còn là một nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe mô tô, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. Ngoài ra, trường hợp người điều khiển xe có hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý theo quy định của luật hình sự.

Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông, người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ luật giao thông, không uống rượu bia khi lái xe. Qua đó, góp phần xây dựng một nền văn hóa giao thông an toàn, văn minh và hiện đại.


Tác giả: Hoàng Phúc