A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo tình trạng gọi điện quấy rối tổng đài 114

Trung bình mỗi ngày tổng đài 114 (tiếp nhận thông tin báo cháy, báo sự cố, tai nạn) của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kon Tum tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi quấy rối như thử điện thoại, trêu đùa, báo tin giả.

Bộ phận trực tiếp nhận thông tin báo cháy, báo sự cố, tai nạn của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum

Tổng đài 114 của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH dùng để tiếp nhận tin báo của người dân về các vụ cháy, sự cố, tai nạn hàng ngày như sập đổ nhà, công trình, thiết bị, sạt lở đất đá, có người bị mắc kẹt trên cao, dưới sâu,…Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum, trung bình mỗi ngày tổng đài 114 tiếp nhận khoảng 100 cuộc gọi đến. Trong đó, có rất nhiều cuộc gọi quấy rối như thử điện thoại, trêu đùa, chọc ghẹo, báo tin giả, nháy máy nhiều lần với những sim số không chính chủ khác nhau, thậm chí có những cuộc gọi chửi bới, có lời lẽ khó chịu đối với cán bộ, chiến sĩ trực thông tin. Thời điểm các cuộc gọi quấy rối nhiều nhất trong ngày thường vào giờ nghỉ trưa, nửa đêm. Đối tượng gọi điện quấy rối chủ yếu là trẻ em, thanh niên, người say rượu. Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, ngày cuối tuần.

Việc gọi điện quấy rối Tổng đài 114 sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tin báo cháy, báo sự cố, tai nạn, bởi các cuộc gọi đến báo tin thật cho tổng đài sẽ bị chiếm dụng đường dây. Đặc biệt, đối với những tin báo giả sẽ làm ảnh hưởng hoạt động tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, những cuộc gọi quấy rối cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, chiến sĩ trực thông tin khi phải nghe nhiều cuộc gọi như vậy.

Dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì thì việc báo cháy giả hay trình báo thông tin sai sự thật với cơ quan Công an sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy thì Báo cháy giả là một trong tám hành vi bị nghiêm cấm; hành vi báo cháy giả, báo tin sự cố, tai nạn giả bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 42 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).

Thời gian tới, để công tác tiếp nhận, xử lý tin báo cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn với mọi người dân, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum đề nghị mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường tuyên truyền, giáo dục các cháu thanh thiếu niên về hậu quả của việc gọi điện quấy rối cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại tổng đài 114. Đặc biệt, khi phát hiện tin báo giả, lực lượng chức năng Công an tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

 

 


Tác giả: Vũ Linh
Tin liên quan