A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm biến áp từ 110kV không người trực vận hành

Trạm biến áp không người vận hành (TBA KNVH) là một xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện tại trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 06 TBA 110kV và 01 TBA 220kV không người vận hành. Đây là một giải pháp chiến lược của Tổng Công ty Điện lực miền Nam nhằm hiện đại hóa lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, là bước cơ bản tiến tới điều khiển từ xa và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đòi hỏi sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với TBA KNVH.

Theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC: Trạm biến áp từ 110KV là đối tượng thuộc diện cơ sở nguy hiểm cháy, nổ thuộc Phụ lục II “ Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ” và thuộc Phụ lục III “ Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý”. Do đó, các TBA KNVH từ 110kV trở lên phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136 như: có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn về PCCC, có phương án chữa cháy, hệ thống điện, chống sét, phải đảm bảo yêu cầu PCCC, có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ công tác PCCC,… Ngoài ra, TBA KNVH từ 110kV trở lên là đối tượng thuộc diện phải thiết kế và thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định tại Điều 13, Điều 15, Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Người đứng đầu cơ sở TBA KNVH từ 110kV trở lên có trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên, định kỳ 06 báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp, cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC định lỳ 06 tháng/lần đối với loại hình cơ sở TBA KNVH từ 110kV trở lên theo Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Đóng điện đưa vào vận hành MBA 220/110kV-125MVA tại TBA 220 kV Kon Tum

Trạm biến áp không người vận hành 220kV tại Kon Tum

Bên cạnh đó, đối với TBA KNVH từ 110kV trở lên còn phải thực hiện một số Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật liên quan như: Tiêu chuẩn ngành 11TCN 20:2006 về Quy phạm trang bị điện – Phần III: Trang bị phân phối và Trạm biến áp, Tiêu chuẩn TCVN 3890:2009 Phương tiện PCCC cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí kiểm tra, bảo dưỡng, QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình…

Tuy nhiên, khác với các loại hình cơ sở khác, theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 16 Nghị định 136 “Trạm biến áp được vận hành tự động có hệ thống PCCC tự động được liên kết, hiển thị cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản và có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền về thông tin báo sự cố đến cơ quan Cảnh sát PCCC thì không phải thành lập và duy trì lực lượng PCCC cơ sở…”. Như vậy, TBA KNVH từ 110kV trở lên đảm bảo các điều kiện ở trên thì không phải thành lập Đội PCCC cơ sở, tuy nhiên để đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở phải duy trì thường xuyên chế độ thường trực, sẵn sàng chữa cháy của các hệ thống PCCC tự động.

Lê Chương