A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp Phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô, nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2021

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Với diện tích đất lâm nghiệp khoảng 660.341 ha, chiếm 68,14% diện tích tự nhiên, gồm các kiểu rừng chính: Rừng kín nhiệt đới hỗn hợp cây lá rộng, rừng lá ẩm nhiệt đới, rừng kín á nhiệt đới phân bố ở vùng núi cao, rừng thưa khô cây họ dầu (rừng khộp) phân bố chủ yếu ở huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei (dọc theo biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia).

Thời gian gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan, Kon Tum được dự báo có nguy cơ hạn hán và cháy rừng rất cao. Thời gian qua với tình trạng nắng nóng, hanh khô kéo dài đã tiềm ẩn và là nguyên nhân gây cháy rừng, nhất là địa bàn huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, vườn quốc gia Chư Mo Rai….

Điển hình: Vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 14/02/2011 tại tiểu khu 281, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô làm thiệt hại 17,94 ha rừng keo lai với mức độ thiệt hại khoảng 40%; vụ cháy rừng ngày 21/5/2020, tại khoảnh 15, tiểu khu 412 thuộc địa bàn xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông làm thiệt hại 12 ha rừng thông với mức độ thiệt hại khoảng 70%.

Các lực lượng chức năng tiến hành chữa cháy rừng (Nguồn:hanoitv.vn)

Để đảm bảo an toàn PCCC cho hơn 610.000 hecta rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong mùa khô, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, cơ quan chức năng cần chủ động tham mưu cho UBND các cấp về quy hoạch nương rẫy và tổ chức canh tác nương rẫy bền vững cho đồng bào, phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã đẩy mạnh việc thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề, ưu tiên cho các xã có rừng khó khăn để phát triển sản xuất và ổn định việc làm.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC bằng nhiều biện pháp như: Tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình tỉnh, báo nói, báo viết; tuyên truyền bằng xe loa lưu động; đài phát thanh của thôn, xã hàng ngày phát thanh trực tiếp tuyên truyền cho người dân về tình hình cháy rừng và các biện pháp phòng cháy; đồng thời tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ và người dân sát với thực tế.

Ba là, nâng cao vai trò trách nghiệm của UBND cấp huyện, cấp xã và các chủ rừng. Trước tình hình khô hạn, nắng nóng cần phải triển khai các biện pháp PCCC rừng như: Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC; niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, phát tờ rơi cảnh báo về cháy; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí phục vụ công tác PCCC rừng được cấp.

Bốn là, Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm về cháy rừng. Từ đó ban hành nội quy, biển báo, biết cấm phù hợp để mọi người dân biết thực hiện; hướng dẫn các chủ rừng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc dọn nương rẫy tạo đường băng cản lửa đúng quy trình kỹ thuật; nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, đồng thời không để người dân vào rừng săn bắt động vật và đốt rừng làm rẫy.

Năm là, tăng cường công tác thường trực, phát huy phương châm 4 tại chỗ, đề xuất trang bị thêm phương tiện chữa cháy cần thiết phù hợp với công tác chữa cháy rừng tại địa phương, có chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy tại chỗ và người dân tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra.

Đức Cường