A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động sức mạnh của toàn dân tham gia công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ( sau đây gọi là PCCC và CNCH) trong 05 năm (2016 – 2020), trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 132 vụ cháy, làm bị thương 04 người, thiệt hại về tài sản 27,54 tỷ đồng, thiệt hại về rừng 204,45ha.

Kon Tum là tỉnh ở phía Bắc Tây Nguyên với diện tích 9.674,2 km2, địa hình đồi núi chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 781.153,06 ha (trong đó 609.468,58 ha diện tích có rừng, chiếm 78%); Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn và 874 thôn, làng, tổ dân phố). Dân số tính đến tháng 04/2019 có 540.438 người. Tình hình kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều. Bên cạnh đó lượng mưa trung bình hàng năm vào khoảng 2.12 mm, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Kon Tum được dự báo có nguy cơ hạn hán và cháy rừng rất cao. Trước những thay đổi về tình hình thời tiết, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh thì tình hình cháy, nổ cũng đang có chiều hướng tăng lên và diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trong 05 năm (2016 – 2020), trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 132 vụ cháy, làm bị thương 04 người, thiệt hại về tài sản 27,54 tỷ đồng, thiệt hại về rừng 204,45ha.

Là lực lượng nòng cốt luôn đi đầu trong công tác PCCC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum hiện tại có 01 trụ sở chính ở trung tâm thành phố và 01 tổ CC và CNCH tại huyện Ngọc Hồi nên việc thực hiện công tác CC và CNCH còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vụ cháy xảy ra cách xa trung tâm thành phố và huyện Ngọc Hồi. Chính vì vậy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia vào công tác PCCC và CNCH để có thể bảo vệ được tài sản và tính mạng của Nhân dân trước tình hình cháy diễn biến ngày càng phức tạp. Đồng thời Luật PCCC cũng đã quy định: “Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Thực tế đã chứng minh hầu hết các vụ cháy khi được phát hiện và cứu chữa kịp thời bằng lực lượng CC tại chỗ thì thiệt hại không đáng kể; ngược lại sẽ dẫn đến cháy lan, gây hậu quả nghiêm trọng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của của Ban giám đốc, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền và phát động phong trào toàn dân PCCC và CNCH thông qua công tác tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên báo, đài địa phương, treo băng rôn khẩu hiệu từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể trong 05 năm (2016 – 2020), Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động phối hợp với các cơ quan, báo, đài tổ chức 19 buổi tuyên tuyền lưu động, xây dựng 19 phim phóng sự truyền hình, 02 phim tư liệu, 01 truyền hình trực tiếp, 22 bài báo, 483 tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, Đài truyền hình địa phương và Báo Kon Tum tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH. Phối hợp với các trường học, khu chợ, khu dân cư tổ chức 25 buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH cho giáo viên, học sinh, tiểu thương và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh với trên 5.000 lượt người tham gia.

Các cấp, các ngành, UBND các địa phương cũng đã quan tâm xây dựng lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành làm lực lượng nòng cốt trong phong trào “Toàn dân tham gia PCCC và CNCH”. Nhiều đơn vị, địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong công tác PCCC như: Đóng góp kinh phí để mua sắm trang bị phương tiện; lồng ghép nội dung công tác PCCC vào nội dung, chương trình hoạt động của các cơ quan, đoàn thể; gắn phong trào “Toàn dân tham gia PCCC và CNCH” với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Nhằm xây dựng lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành chính quy, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCCC và CNCH trong tình hình mới. Trong 05 năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum đã tổ chức phối hợp với các cơ sở, đơn vị trên địa bàn tỉnh mở 71 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành, cán bộ và công nhân viên với 3.241.407 người tham gia. Đồng thời tổ chức hội thao, hội thi về nghiệp vụ, chiến thuật PCCC cho lực lượng này. Định kỳ hàng năm, hướng dẫn xây dựng, công nhận, tái công nhận cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Một số hình ảnh hoạt động của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum:

Từ việc chủ động đổi mới, làm phong phú nội dung, hình thức, phối hợp có hiệu quả với các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức phòng ngừa cháy, nổ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH, các quy định của pháp luật về PCCC, cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, cách thoát nạn, cứu người và xử lý ban đầu khi có cháy, nổ xảy ra phần nào đã hạn chế được những thiệt hại do cháy gây ra cho Nhân dân.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định trong công tác PCCC cụ thể: Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chưa trang bị đủ các phương tiện PCCC theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA của Bộ Công an nên dẫn đến chưa phát huy hiệu quả tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Công tác xây dựng cơ quan, đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC còn một số đơn vị thực hiện mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục đích đề ra. Người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm xây dựng và duy trì hoạt động cho đội PCCC cơ sở, không tổ chức trực và tuần tra vào ban đêm nên không phát hiện và chữa cháy kịp thời, khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến nơi thì đám cháy đã lớn, bao trùm toàn bộ diện tích và khó cứu chữa.

Từ những kết quả đạt được trong phong trào toàn dân PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành làm nòng cốt cho phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, thành lập các đội PCCC tại chỗ và tổ chức huấn luyện, tập huấn, hội thao, hội thi về nghiệp vụ, chiến thuật PCCC cho lực lượng này. Đồng thời, tiến hành rà soát, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng hiện có trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng cơ quan, đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC, xã, phường an toàn PCCC gắn với mô hình xây dựng cơ quan an toàn về ANTT và xã an toàn về ANTT.

Có các hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH nhằm phát động, khuyến khích và thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

Từng cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, từng hộ dân cư phải chủ động công tác PCCC, xác định rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra và có phương án PCCC và CNCH cụ thể. Trên cơ sở phương án PCCC và CNCH đã xây dựng, định kỳ tập luyện, diễn tập rút kinh nghiệm bổ sung kịp thời những hạn chế trong phương án, kế hoạch đã xác định.

Đàm Dũng

 


Tin liên quan