A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng Công an xã với phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Luật Công an nhân dân năm 2018, trong thời gian từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, nhất là đẩy mạnh triển khai xây dựng lực lượng Công an xã chính quy trên phạm vi toàn quốc.

 

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, phần lớn là đồi núi và cao nguyên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 huyện, thành phố với tổng số 102 xã, phường, thị trấn và được bố trí 02 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) có chức năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (01 Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bố trí tại thành phố Kon Tum và 01 Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Ngọc Hồi). Diện tích tự nhiên rộng lớn, giao thông chưa thực sự thuận lợi, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mạng lưới lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bố trí còn mỏng,… chính là các yếu tố tác động tiêu cực đến công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, lực lượng Công an xã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chữa cháy ở giai đoạn ban đầu với những đám cháy nằm cách xa đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trong phạm vi được phân công, phân cấp, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở (số cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý là 4.277/5.366 cơ sở, chiếm 79,71% tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn toàn tỉnh), lực lượng Công an xã còn có vai trò quan trọng trong việc tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, đặc biệt là khi đám cháy mới bắt đầu phát sinh. Qua thống kê, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 09 vụ cháy (thành phố Kon Tum 04 vụ, huyện Sa Thầy 01 vụ, huyện Ia H’Drai 01 vụ, huyện Đăk Tô 01 vụ, huyện Đăk Hà 01 vụ, huyện Kon Plông 01 vụ), trong đó có 03 vụ do lực lượng tại chỗ mà nòng cốt là lực lượng Công an xã dập tắt (chiếm 33,33%).

Thực tế cho thấy: “Nước xa khó dập được lửa gần”, do đó khi đám cháy mới bắt đầu phát sinh, cần thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để tận dụng "thời điểm vàng" (05 phút kể từ khi xuất hiện đám cháy) nhằm kịp thời ngăn chặn, dập tắt đám cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa tiếp cận được hiện trường. Việc vận dụng phương châm này đã được lực lượng Công an xã cụ thể hóa bằng việc tham mưu chính quyền các cấp đẩy mạnh xây dựng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại “Tổ liên gia an toàn PCCC”

Phương châm “4 tại chỗ”:

1. Chỉ huy tại chỗ: Người đứng đầu cơ sở, Đội trưởng Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở; Tổ trưởng Tổ dân phố, Đội trưởng Đội dân phòng; Chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện; Người đứng đầu cơ quan tổ chức; Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm; Chủ tịch UBND cấp xã hoặc người được uỷ quyền chịu trách nhiệm trong thời gian những người này vắng mặt.

2. Lực lượng tại chỗ: Tất cả những người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư: quần chúng nhân dân, lực lượng dân phòng, Công an xã…

3. Phương tiện, vật tư tại chỗ: Bao gồm các thiết bị, dụng cụ PCCC như bình chữa cháy, chăn chiên chữa cháy, ống dẫn nước, đèn pin, còi báo cháy, hệ thống báo cháy,…

4. Hậu cần tại chỗ: Là sự chuẩn bị sẵn sàng các nguồn kinh phí; những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Điển hình như vụ cháy xảy ra tại Cửa hàng Tạp hoá Hiến Son vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 10/02/2024 tại số nhà 121 đường Hùng Vương, thôn 14A, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Tại thời điểm xảy ra cháy không có người ở nhà, thời tiết có gió to, chất cháy chủ yếu là giấy, bao bì, gỗ… đám cháy có khả năng lan sang các nhà dân lân cận. Địa điểm xảy ra cháy cách Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Ngọc Hồi khoảng 60 km, thời gian để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp di chuyển đến đám cháy khoảng 01 giờ đồng hồ. Trong thời gian lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến đám cháy, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, Chỉ huy tại chỗ là Chủ tịch UBND xã Đăk Pek đã huy động lực lượng Công an xã Đăk Pek, dân phòng, Tổ liên gia an toàn PCCC, người dân… sử dụng các phương tiện tại chỗ (bình chữa cháy xách tay, ống dẫn nước, đèn pin…) để tham gia chữa cháy.

Vụ cháy xảy ra tại Cửa hàng Tạp hoá Hiến Son (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) ngày 10/02/2024

Chính nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng Công an xã Đăk Pék phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ khác, đám cháy đã được ngăn chặn kịp thời, không lan ra toàn bộ dãy nhà, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Qua đó có thể thấy, lực lượng tại chỗ nói chung, lực lượng Công an xã nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, thực hiện chữa cháy kịp thời tại cơ sở.

Như vậy, lực lượng Công an xã luôn là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong việc tham gia công tác PCCC, có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” tại cấp cơ sở, với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, lực lượng công an, trong đó có công an các xã, phường, thị trấn đã và đang ghi dấu ấn bằng những việc làm, chiến công từ cơ sở, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại địa phương./.


Tác giả: Ích Linh