A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) từ 7/2014 – 7/2018, trên cả nước đã xảy ra 159 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm chết 36 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản ước tính 57 tỷ đồng.

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH từ 7/2014 – 7/2018, trên cả nước đã xảy ra 1.138 vụ cháy tại các cơ sở là nhà xưởng sản xuất, làm chết 39 người, bị thương 153 người, thiệt hại ước tính 2.452 tỷ đồng. Riêng đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đã xảy ra 159 vụ cháy, làm chết 36 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản ước tính 57 tỷ đồng.

Gần đây, vào khoảng 3 giờ 30 phút rạng sáng 25/4/2020, tại ngôi nhà 3 tầng, tại địa chỉ số 17 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú (TP Huế), kinh doanh hàng tạp hóa kết hợp với nhà ở của người dân bất ngờ bốc lửa cháy dữ dội. Vụ cháy làm cho người mẹ cùng hai người con bị bỏng nhẹ và được đưa đi cấp cứu kịp thời. May mắn vụ cháy không thiệt hại về người, nhưng hai xe máy trong nhà và nhiều hàng hóa cùng các vật dụng bị cháy rụi, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

 

Hình ảnh minh họa

Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum các tiệm tạp hóa hay cửa hàng tạp hóa được nhiều hộ gia đình lựa chọn làm hình thức kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình. Hầu hết các mô hình này trưng bày sản phẩm như một cửa hàng bách hóa thu nhỏ, là nơi lưu trữ và bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau như các mặt hàng đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ học tập… Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu dân cư đông người, xung quanh các chợ, tuyến phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vàng mã… Nhà xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp chống tụ khói. Thế nhưng, đa số các chủ hộ đều rất ít quan tâm đến công tác PCCC và CNCH; thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; không trang bị hoặc trang bị thiếu các thiết bị chữa cháy và CNCH; vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, các thiết bị điện kém chất lượng; các hộ kinh doanh bố trí bếp nấu ăn, nơi thờ cúng gần khu vực chứa hàng hóa, trong khi đây đều là những mặt hàng dễ cháy, nổ. Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý, lén lút kinh doanh cả hóa chất, Gas và đồng thời cơi nới, cải tạo, công trình sai với quy định khiến công tác tiếp cận để chữa cháy và CNCH khi sự cố xảy ra gặp nhiều khó khăn.

Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, chủ hộ gia đình và người dân khi sử dụng nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh hàng hóa cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây:

1. Thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định về PCCC và CNCH.

2. Chủ động tuyên truyền, nhắc nhở những người làm việc tại cửa hàng nêu cao ý thức cảnh giác, tự giác chấp hành nội quy, quy định về PCCC và CNCH.

3. Không nên lắp các chuồng cọp (lồng sắt) trên các tầng trên đối với nhà nhiều tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.

4. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hư hỏng có nguy cơ dẫn đến xảy ra cháy, nổ.

5. Bố trí riêng biệt giữa khu vực chứa hàng hóa với các khu vực thờ cúng, nấu ăn. Bố trí, sắp xếp hàng hóa thành từng lô, từng dãy gọn gàng và đảm bảo đường lối thoát nạn an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

6. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas nếu thấy có dấu hiệu hư hỏng các bộ phận thì phải thay thế hoặc báo ngay cho nhà phân phối thay thế, sữa chữa để tránh hiện tượng rò, rỉ khí gas và dẫn tới gây ra cháy, nổ.

7. Tuyệt đối cấm hút thuốc, sử dụng bật lửa, que diêm… trong khu vực kinh doanh chứa hàng hóa dễ cháy.

8. Trang bị phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy khí CO2 và bình bột chữa cháy để sử dụng cứu chữa khi đám cháy mới phát sinh.

9. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác. Đồng thời, hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

10. Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm, báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.

Mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức về PCCC và CNCH để kịp thời ngăn chặn các nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trần Minh