A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa thủ đoạn xuyên tạc việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian gần đây, lợi dụng việc Nhà nước ta đang tích cực lấy ý kiến toàn dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, một số cá nhân nhận thức chưa đầy đủ lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá hoạt động lập pháp này.

         Góp ý dự thảo luật là hoạt động bảo đảm công khai, minh bạch trong quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trong bối cảnh thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền và quá trình hội nhập quốc tế, việc bảo đảm công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật ở Việt Nam luôn được coi là một yêu cầu không thể thiếu nhằm đảm bảo nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của nhà nước và là yêu cầu bắt buộc đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả thì một trong những điều kiện, giải pháp cần thiết và quan trọng là phải bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, bên cạnh việc quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với nhau thì cần bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quyền tiếp cận của người dân sau khi văn bản được ban hành.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai và minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của người dân”.  Quyền tham gia quản lý nhà nước được xem là quyền chính trị quan trọng nhất của công dân, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội, “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra”. Quyền này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và một trong những nội dung để Nhân dân tham gia quản lý nhà nước chính là tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Với bản chất của một nhà nước của dân, do dân, vì dân, pháp luật phải thể hiện được ý chí của Nhân dân, phản ánh trung thực ý chí của Nhân dân. Muốn vậy, trước hết, người dân cần được biết, được tiếp cận thông tin, được có ý kiến, được tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật và Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền đó bằng cách tạo ra và vận hành một cơ chế công khai, minh bạch để thu hút được sự tham gia của người dân có hiệu quả.

Theo đó, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân để bàn bạc, nghiên cứu tiếp thu, đảm bảo các chính sách được đề xuất sau khi được luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, sát dân, gần dân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần bảo đảm hài hòa các quyền, lợi ích trong xã hội. Khẳng định rằng, việc Nhà nước ta lấy ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của luật, của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc làm vô cùng quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, thông qua việc lấy ý kiến của người dân, người hoạch định chính sách sẽ có thông tin thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó, văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao, tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí áp đặt từ một phía. Trên thực tế có những văn bản pháp luật rất cần thiết ban hành nhưng lại thiếu điều kiện xã hội để thực thi.

Thứ hai, nếu như kết quả lấy ý kiến nhóm đối tượng tác động của văn bản cho thấy văn bản pháp luật phù hợp với tâm tư nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân thì văn bản sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, niềm tin của nhân dân đối với chính quyền sẽ được củng cố. Ngược lại, nếu văn bản pháp luật không phù hợp với lợi ích của một số nhóm nào đó thì quy trình lấy ý kiến văn bản là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Từ đó, tránh được hiện tượng người dân phản ứng khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng dưới tác động của văn bản.

Thứ ba, đây cũng là hình thức tuyên truyền mang tính tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu, thảo luận, tiếp cận trước một bước với văn bản pháp luật, tạo thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính thức ban hành.

Không thể lợi dụng việc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước

Ngày 06/01/2023, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chỉ trong một thời gian ngắn được triển khai, đã có hàng trăm ý kiến của nhân dân ở trong và ngoài nước được gửi về các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tổng hợp. Có thể khẳng định rằng, việc lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai cho thấy tinh thần dân chủ, cầu thị, nghiêm túc của những người làm luật với mong muốn được lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, những ý kiến góp ý đúng đắn, qua đó, đưa ra được những quy định bảo đảm chặt chẽ, sát hợp thực tiễn và tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho Nhân dân trong giải quyết các vấn đề liên quan. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai của các cấp, ngành.

Thế nhưng, trong khi dự thảo Luật Đất đai hiện đang được các bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua thì bên cạnh những ý kiến đóng góp khoa học, thiết thực và hiệu quả, có những đối tượng phản động, cơ hội, lợi dụng chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để xuyên tạc, chống phá. Điển hình như việc ngay sau khi Nghị quyết 671 của Quốc hội và Nghị quyết số 170 của Chính phủ về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết cho rằng “Việt Nam sửa đổi Luật Đất đai là để thao túng thị trường đất đai, lồng ghép lợi ích cho những cá nhân hay nhóm người nhất định, chứ không vì lợi ích của Nhân dân..” Và để chứng minh quan điểm này, các đối tượng đã viện dẫn, cắt gọt phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho đó là bằng chứng để tố cáo. Chúng phủ nhận sạch trơn giá trị của sự đổi mới là để thay thế cái cũ, khắc phục những bất cập còn tồn tại, mà ngụy biện rằng, thực tế nhiều năm qua có sự cài cắm lợi ích vào trong luật. Do đó, Việt Nam có sửa đổi luật nhiều lần thì cũng chỉ là hoạt động chắp vá, không thực tiễn, thế nên mới phải sửa đổi thường xuyên.

Lợi dụng việc góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhiều đối tượng xuyên tạc, chống phá

Không khó để nhận diện các phần tử phản động, bất mãn hay cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Chỉ cần lướt qua các mạng xã hội Facebook, YouTube… hay các phương tiện truyền thông nước ngoài như đài BBC, RFA, VOA chứ chưa cần tới các trang phản động đã thấy những “khuôn mặt đen” có “bề dày thành tích” chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Đó là các phần tử, tổ chức phản động được hình thành từ nhiều loại đối tượng dưới chế độ cũ có “thâm niên” nhiều năm hoạt động chống phá chế độ ta. Chúng còn lợi dụng, kích động, lôi kéo, tổ chức nhiều đối tượng tiêu cực, bất mãn vào hoạt động chống Đảng và Nhà nước ta; hình thành các hội đoàn chống cộng, tổ chức phản động trong và ngoài nước, trực tiếp chống phá và hà hơi, tiếp sức với mưu đồ “nội công, ngoại hợp”. Cùng với đó là những cá nhân, tổ chức, chính thể có quan điểm, lập trường khác, đối lập với nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước ta, có hoạt động đi ngược lại với lợi ích dân tộc, đất nước và nhân dân ta. Đáng chú ý, trong những kẻ chống phá có cả các phần tử cơ hội chính trị, những đối tượng đội lốt “yêu nước”, đội lốt các nhà đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, “xã hội dân sự”... Thậm chí, một số đối tượng vốn là cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước có quá trình tham gia cách mạng, có người từng giữ cương vị chủ chốt trong Đảng, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhưng đã “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Một số nhỏ là các trí thức, văn nghệ sĩ suy thoái về tư tưởng chính trị, bị mua chuộc, lôi kéo, bất mãn…

Thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá là lợi dụng mạng xã hội, các trang thông tin, báo điện tử, lập những nick ảo, tài khoản giả mạo để tham gia “bình luận”, “chia sẻ” những thông tin, bài viết liên quan đến các vụ việc về đất đai nhằm phát tán thông tin sai lệch, tiêu cực, kích động gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong cộng đồng. Ngoài ra, chúng liên tục đăng tải những bài viết liên quan đến “câu chuyện” đất đai, xới lại những vụ việc đã xảy ra từ lâu, như những sai phạm về thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng… Từ đó, nhằm dùng hiện tượng làm lu mờ bản chất, tạo nên cái nhìn tiêu cực, lệch lạc, nhằm gây ác cảm trong xã hội đối với việc góp ý dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), từ đó hướng lái người dân không tham gia góp ý, bất hợp tác, không tin tưởng vào việc lấy ý kiến xây dựng Luật.

Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc sửa đổi Luật là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới nhằm gỡ bỏ những điểm nghẽn, bất cập để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển. Về cơ bản, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo tính kế thừa Luật Đất đai 2013, thể chế hóa được các quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; cũng như các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân gồm 16 chương, 236 điều nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực, tạo động lực để phát triển đất nước. Do đó, các nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai được xây dựng chi tiết, cụ thể, sát với thực tiễn. Các cơ quan quản lý đất đai cho biết, bộ khung dự thảo Luật lần này được xây dựng khoa học, rõ ràng, nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó có nhiều ý kiến đóng góp giá trị, nhất là đối với những vấn đề được xem là rất “nhạy cảm”, “phức tạp” thời gian qua như thu hồi, bồi thường trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Sở dĩ Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội bởi hơn bất kỳ quy định nào khác, luật “gắn bó” với mọi người, mọi nhà và trong đời sống thường xuyên phát sinh các quan hệ dân sự lẫn hình sự xung quanh vấn đề về đất đai. Thời gian qua, sau khi tổ chức lấy ý kiến, các cấp, ngành đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi sâu sắc, tích cực và hết sức chất lượng, qua đó cho thấy sự cần thiết và ý nghĩa to lớn của việc làm này. Ðiều này không chỉ nhằm phát huy quy chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, mà còn là sự huy động trí tuệ nhiều người, tích hợp được nguyện vọng của số đông, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong thực tế, để phục vụ việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, toàn văn dự thảo Luật này đã đưa trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ từ ngày 2/9/2022 phục vụ lấy ý kiến lần đầu các đối tượng theo quy định. Theo báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thực hiện, nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và xây dựng Luật Đất đai để thể chế hóa sớm nhất Nghị quyết số 18-NQ/TW; khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là một vấn đề rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; theo thống kê, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, đã thể chế hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Những ý kiến phong phú, tâm huyết, trách nhiệm, giàu trí tuệ trong những ngày cao điểm lấy ý kiến nhân dân chứng minh rằng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan của nhà nước Việt Nam đã nỗ lực và làm tốt các công việc phục vụ lấy ý kiến nhân dân cho một trong những dự án sửa đổi luật có tầm quan trọng đặc biệt.

Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân khi tiếp cận với thông tin, tài liệu tán phát trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt; tránh bị cuốn theo những giọng điệu mỹ miều, xảo trá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, việc tổng hợp ý kiến, phân loại, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải dựa trên tinh thần cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến của nhân dân. Đồng thời, cần có sự nhìn nhận, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng công việc này để thực hiện những mục đích cá nhân, kích động chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 


Tác giả: Hoài Nhung