A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Giao Công an tỉnh phối hợp đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn… là chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tại Công văn số 483/UBND-HTKT ngày 05/02/2021 triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

C:\Users\Admin\Desktop\untitled.png

Tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh minh họa

Nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tại Công văn trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nội dung trọng tâm:

(1) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về chất thải rắn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào tuyên truyền hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa và túi nilon.

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành về quản lý chất thải rắn. Kịp thời tham mưu, triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% (báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong 483 05 02 2 tháng 4 năm 2020); đồng thời tổ chức rà soát, đề xuất triển khai cải tạo, xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, vứt rác thải và đổ rác thải không đúng nơi quy định, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường, tạo sự bức xúc trong nhân dân.

(2) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung. Tăng cường quản lý chặt chẽ nội dung hạ tầng kỹ thuật về điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Đồng thời. hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý rác thải phù hợp với các quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

(3) Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng đổi mới công nghệ, trang thiết bị; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thân thiện với môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

(4) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các chỉ tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo quy định.

Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, như: không vứt rác xuống sông, suối, kênh, mương thủy lợi…; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý, tái chế các phụ phẩm trong nông nghiệp và việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sau sử dụng.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt, đổ rác thải xuống kênh, mương thủy lợi và các hồ chứa.

(5) Sở Y tế chỉ đạo, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, đặc biệt đối với các chất thải nguy hại lây nhiễm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình thu gom, xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm, hạn chế việc xử lý phân tán tại cơ sở y tế.

(6) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án sản xuất năng lượng từ chất thải rắn và sinh khối.

(7) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào các cơ sở xử lý chất thải rắn, rác thải với công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án, cơ sở xử lý rác thải đã đi vào hoạt động và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay. Ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý rác thải theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu tập trung lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và công khai, minh bạch trong công tác quản lý rác thải tại các địa phương.

(8) Sở Tài chính tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hình thức và mức phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

(9) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

(10) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Kon Tum, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh và các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng thời lượng, tin, bài, thời gian phát sóng, kịp thời thông tin các hoạt động và kết quả thanh tra, kiểm tra về hoạt động thu gom, xử lý rác thải; chú trọng nêu gương những điển hình thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường; thông tin rõ, kịp thời về những trường hợp vi phạm, những địa phương để xảy ra tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

(11) Ban quản lý Khu kinh tế – Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; phát hiện và báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt các hành vi vi phạm trong quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế, khu công nghiệp phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để theo dõi, quản lý theo quy định.

(12) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý chất thải sinh hoạt và tình hình sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường. Kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác, đổ rác thải không đúng nơi quy định, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường không hiệu quả và không đúng mục đích; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn quản lý.

Bố trí đủ kinh phí hàng năm để đảm bảo việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn quản lý theo quy định; tổ chức hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình làm phân compost.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá và đề xuất thực hiện xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới.

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý vận hành đúng công nghệ xử lý chất thải rắn đã cam kết; yêu cầu đơn vị 5 xử lý chất thải rắn có lộ trình cải tạo công nghệ xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và đáp ứng thời gian quy định; xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh; chỉ đạo các tổ chức thực hiện việc xử lý các bãi chôn lấp chất thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới; xây dựng và thực hiện lộ trình đóng cửa các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh trên địa bàn.

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác tại nguồn để triển khai theo lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và quy định cụ thể hình thức và mức phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20 tháng 12 hàng năm (qua Sở Tài chính chủ trì tổng hợp, tham mưu).

Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức, chỉ đạo công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp theo quy định. Hướng dẫn, thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý, tái chế các phụ phẩm trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng tuần tổ chức dọn dẹp vệ sinh cơ quan, nơi làm việc và chỉnh trang khuôn viên cơ quan, đảm bảo xanh – sạch – đẹp, tham gia tích cực vào công tác vận động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại khu dân cư đang sinh sống.

Đồng thời, đề nghị các Huyện ủy, Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Đảng ủy các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường, sức khỏe của nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên xây dựng phong trào, vận động người dân, cộng đồng dân cư phân loại rác thải tại nguồn để bảo vệ môi trường với nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của đoàn viên, hội viên. Chủ động, phát huy vai trò giám sát, phản biện, phát hiện và phản ánh tới các cấp chính quyền để xử lý vi phạm về quản lý chất thải rắn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Khánh Vi