A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có được công khai danh tính bệnh nhân hoặc người có liên quan dịch bệnh Covid-19

Khi cả nước căng mình chống dịch Covid-19, mọi biện pháp đều được huy động, nhất là việc thông tin liên quan đến nguồn lây bệnh để giúp cộng đồng phòng tránh. Tuy nhiên, việc phổ biến thông tin này cần được hết sức cẩn trọng.

Những ngày gần đây, số người nhiễm bệnh Covid-19 ở Việt Nam không ngừng tăng. Trên mạng xã hội đã và đang lan truyền nhiều thông tin có liên quan đến danh tính, hình ảnh của bệnh nhân Covid-19, người bị nghi nhiễm và bị cách ly; một số tờ báo cũng công khai tên tuổi của người bệnh. Mặt khác, có trường hợp một số cá nhân đã có hành vi công kích, lăng mạ, chửi bới người nhiễm bệnh, gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình người đó. Vậy pháp luật đã quy định như thế nào về vấn đề này? Với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan như hiện nay thì những quy định này được thực thi như thế nào?

Quyền riêng tư-một trong những quyền con người quan trọng nhất

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (bí mật đời tư) là một trong những quyền công dân cơ bản, quan trọng nhất được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Cụ thể: Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Quyền riêng tư của công dân luôn được pháp luật bảo vệ. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể quyền bí mật đời tư tại Điều 38 như sau: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Người làm lộ bí mật đời tư của người khác với tính chất nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” tại Điều 159.

Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của bộ luật này”.

Nhằm bảo vệ bí mật đời tư trong giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận, kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người bệnh có quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân

Liên quan đến bí mật sức khỏe của cá nhân, pháp luật quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bệnh như khai báo trung thực, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Nếu ai vi phạm sẽ chịu các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật. Và ngược lại, người bệnh có quyền pháp lý được bảo vệ và tôn trọng, cụ thể là quyền nhân thân.

Khoản 1, Điều 25, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định về trách nhiệm của thầy thuốc trong việc giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh.

Khoản 3, Điều 33, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định một trong các trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh. Khoản 5, Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm  quy định cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

Điều 8, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Điều 9, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người bệnh được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; không bị kỳ thị, phân biệt đối xử…

Đối với bệnh nhân Covid-19, nếu họ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng bản thân họ cũng là bệnh nhân nên cũng cần được tôn trọng về quyền riêng tư của người bệnh, tránh những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm quyền nhân thân.

Tối ngày 3.2.2021, trên Facebook xuất hiện hình chụp văn bản được cho là báo cáo nhanh của Trung tâm y tế thành phố Kon Tum về việc ghi nhận trường hợp điều trị tại bênh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiếp tục điều trị tại Bệnh viện quân y 24 tỉnh Kon Tum và danh sách 62 người tiếp xúc gần có đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ. Những văn bản rò rỉ trên mạng xã hội như thế này đã vô tình công khai thông tin cá nhân của công dân.

Ai được phép công khai danh tính bệnh nhân và người liên quan dịch COVID-19?

Khoản 2, Điều 14, Chương II, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Việc công khai này chỉ có thể được tiến hành bởi các cơ quan có thẩm quyền. Cơ sở để thực hiện là các cơ quan thẩm quyền sẽ căn cứ trên lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng để quyết định công khai hay không công khai.

Chỉ cơ quan có thẩm quyền (cụ thể đối với địa bàn tỉnh Kon Tum là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra và Sở Y tế) mới có quyền công bố danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và người liên quan  dịch Covid-19.

Việc tìm kiếm thông tin những cá nhân liên quan không đồng nghĩa với việc được phép công khai danh tính người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Thực tế hiện nay, có tình trạng những thông tin này bên cạnh việc phục vụ công tác phòng bệnh, lại có nguy cơ bị rò rỉ và biến dạng qua mạng xã hội, dẫn đến các hệ quả xấu.

Cần nói ngay rằng, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Thầy thuốc, nhân viên y tế phải giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh; đồng thời, luật cũng nghiêm cấm việc che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời, thông tin sai sự thật các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm…

Tuy nhiên, trong phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan chức năng cũng phải dựa vào các tầng lớp nhân dân, linh hoạt cho phép công khai danh tính những người nghi nhiễm bệnh nhưng trong những phạm vi nhất định. Ví dụ danh sách những người có tiếp xúc với các ca dương tính vừa phát hiện sẽ được thông báo đến cụm dân cư, khối phố, tổ dân phố, tuyệt đối phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc công bố danh tính, lộ trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 hoặc những người nghi nhiễm để quản lý, cách ly là cần thiết, đó cũng được xem là nguyên tắc phòng dịch nhưng thường phải hạn chế phạm vi.Trong một số trường hợp đặc biệt, vì lí do phòng bệnh, việc công khai danh tính với chủ đích tích cực trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn có thể chấp nhận được vì phòng dịch được đề cao hơn chống dịch, nhưng cần hết sức cân nhắc về mức độ, hàm lượng, nội dung thông tin để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến họ.

Thực tế cho thấy, việc công bố danh tính của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam lâu nay đều đảm bảo tốt quyền của công dân khi danh tính đều được viết tắt và ký hiệu bằng số như BN17, BN21… Như vậy, việc cá nhân, tổ chức khác đưa đầy đủ tên tuổi, danh tính, địa chỉ của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 là vi phạm pháp luật. Người bệnh và người liên quan có thể khởi kiện theo quy định hiện hành. Đây là yêu cầu không khó đối với cơ quan chức năng, nhưng không dễ đối với các cá nhân sử dụng mạng xã hội. Hãy là người sử dụng truyền thông có trách nhiệm, tránh gây tổn thương cho cộng đồng bằng những hành vi phạm pháp luật, đạo đức.

Hoài Nhung