A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những khó khăn đặt ra trong công tác đấu tranh xử lý tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến khá phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này còn những khó khăn nhất định.

C:\Users\Administrator\Desktop\tải xuống (3).jpg

Công tác đấu tranh xử lý tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn

Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm này. Theo đó, giao Bộ Công an đóng vai trò thường trực, tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để siết chặt quản lý. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động. Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm…

Bộ Công an đã xây dựng 01 kế hoạch chuyên đề riêng phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Kết quả, riêng 06 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an toàn quốc đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can phạm tội liên quan “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Đã khởi tố 214 vụ, 947 bị can liên quan “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự. Áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ làm tan rã khoảng 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi liên quan đến “tín dụng đen”, qua đó hoạt động tội phạm đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều nơi các đối tượng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, thực tiễn các quy định của pháp luật hiện hành và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cho thấy việc phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này còn vướng phải những khó khăn sau:

– Một là, nhu cầu cho vay, sử dụng tín dụng, thậm chí “tín dụng đen” trong nhân dân vẫn còn. Với thủ tục nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, hoạt động “hỗ trợ tài chính”, mà thực chất là cho vay lãi nặng vẫn thu hút được sự quan tâm của người dân. Khi lâm vào tình trạng túng thiếu, thiếu tiền, cần tiền gấp, người dân vẫn sẽ tìm đến vay tại các đường dây liên quan đến “tín dụng đen” thay vì làm thủ tục tín dụng theo quy định của Nhà nước tại ngân hàng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ ham mê cờ bạc, cá độ, game online đã vay lãi nặng để sử dụng vào các mục đích không chính đáng của bản thân, khi cần thì lãi suất cao cũng chấp nhận vay. Đây là yếu tố tất yếu tạo điều kiện tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” có cơ hội hoạt động mà lực lượng Công an không thể phòng ngừa, ngăn chặn triệt để. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, không tạo điều kiện tội phạm này có cơ hội hoạt động là hết sức cần thiết.

– Hai là, việc xác định phạm vi giữa vi phạm hình sự và vi phạm dân sự theo quy định của luật gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật khi các đối tượng dùng thủ đoạn để lách luật.

Hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức và xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới hình thức các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động còn nhiều vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự, cấu kết với băng nhóm tội phạm giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Trong khi đó, nếu những cơ sở này có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự thì lực lượng Công an lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “tín dụng đen” hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ. Khi các “con nợ” vay tiền, chúng dùng các hợp đồng giả như hợp đồng, uỷ quyền mua bán, thuê xe ôtô, xe máy, mua bán nhà đất… để “đảm bảo” khoản vay, khi “con nợ” mất khả năng thanh toán sẽ tổ chức siết nợ, hoặc gửi đơn lên cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu khởi tố, xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng… Trong khi đó, theo quy định của Điều 201-Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” hoặc “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” thì mới bị xử lý hình sự. Vấn đề này gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi chứng minh hành vi cho vay lãi nặng.

Mặt khác, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là tội phạm ít nghiêm trọng, trong nhiều vụ án khi khởi tố điều tra, viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam nên khó khăn trong công tác điều tra, mở rộng băng nhóm tội phạm.

Ngoài ra, việc vay – cho vay tiền, tài sản, huy động vốn là quan hệ dân sự tự nguyện có sự thoả thuận của hai bên, đến khi người vay tiền không trả được nợ, bị các băng nhóm tội phạm đe dọa, bắt giữ, đánh đập… thì vụ việc mới được trình báo gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

Những khó khăn đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cần được nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khắc phục, sửa đổi trong thời gian tới, trong đó việc nâng cao ý thức người dân đóng vai trò quan trọng để phục vụ tốt hơn hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen” gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Khánh Vi