A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung sức giữ bình yên ở xứ đạo Đăk Pxi - Kì 4: Chuyện tiên phong góp sức nhỏ cho Đề án lớn của nữ Phó trưởng Công an xã

Phụ nữ vốn luôn được xem là chân yếu tay mềm, chỉ thực hiện những công việc nhẹ nhàng nên việc thực hiện các mặt công tác công an xã ở một địa bàn rộng, khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự được xem như là điều không thể. Thế nhưng có một người phụ nữ - đồng chí Đại uý Y Yến - Phó trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã biến những "đặc trưng về giới tính" trở thành sự uyển chuyển, linh hoạt trong giải quyết công việc tưởng như chỉ dành cho nam giới.

Xuyên suốt chuyến thực tế tại địa bàn xã Đăk Pxi, đồng chí Đại uý Y Yến là người dẫn đường và chia sẻ với đoàn chúng tôi nhiều câu chuyện quý giá. Nhìn ánh mắt hào hứng khi chia sẻ về công tác tại địa bàn cơ sở, tôi càng thêm cảm phục người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng rất chân thành, cởi mở.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…

Đại uý Y Yến - Phó trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Đăk Ui anh hùng - nơi được mệnh danh là căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Kon Tum trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, thấm nhuần tinh thần chiến đấu bất khuất, mưu trí, dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ của người dân cách mạng; được học tập, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường của lực lượng Công an nhân dân; bản thân chị Y Yến luôn tâm niệm được cống hiến sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương. Nhận thức rõ được trách nhiệm mà Đảng, Nhân dân và Ngành giao phó, chị Y yến luôn chủ động, sáng tạo, phát huy được những ưu điểm và vai trò của cán bộ, chiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mặt công tác Công an tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống; bản thân chị luôn xác định sẽ là một trong những trò hạt nhân phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc, là người trực tiếp góp phần tổ chức đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương. 

Tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, đồng chí Y Yến được phân công về Công an huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) và công tác tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Đăk Hà. Năm 2018, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum có chủ trương đưa Công an chính quy về xã (Kon Tum là địa phương đầu tiên thí điểm đưa Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã), đồng chí Yến nhận thấy bản thân cần xung kích, đi đầu và xác định đây là cơ hội để rèn luyện, trải nghiệm bản thân trong vị trí công tác mới, nên đã xung phong, đề xuất với các cấp lãnh đạo về nhận công tác tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà với tâm niệm: "Đã là công an thì công tác ở đơn vị nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Điều quan trọng là mình biết sử dụng những thuận lợi và khắc phục những khó khăn để cùng đồng đội vượt qua. Hơn nữa, nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ, ngại đi cơ sở thì những việc đó ai làm? Tôi đã từng được đào tạo bài bản nên muốn đem sức lực nhỏ bé của mình để góp phần cùng thúc đẩy đề án đưa công an chính quy về cơ sở thành công" - chị Yến tâm sự.

Dù gặp nhiều khó khăn khi nhận nhiệm vụ tại địa bàn vùng sâu vùng xa, nhưng đồng chí Yến luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc các mặt công tác được giao

Đối với nam giới thì việc triển khai các mặt công tác công an xã với khu vực quản lý rộng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự đã là một câu chuyện vất vả; thì đối với nữ giới, đồng thời là chỉ huy thì sự vất vả còn nhân lên gấp bội, vì ngoài công việc cơ quan, chị Yến cũng là người vợ, người mẹ trong gia đình. Những ngày bình thường thì cứ cách 02 đêm lại trực 01 đêm,  riêng đối với các "đợt cao điểm" thì chị Yến và các anh em trong Công an xã phải trực 100%. Chị Yến bảo: "Từ khi ra trường, chị hầu như không được đón Giao thừa ở nhà, cho đến khi về xã nhận nhiệm vụ thì điều tưởng như đơn giản đó lại càng không thể, vì phải thường xuyên tuần tra khép kín địa bàn, phòng ngừa tội phạm và phòng ngừa sử dụng pháo trái phép".

Đáng chú ý nhất vẫn là khoảng thời gian Bộ Công an triển khai Đề án xây dựng "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" và cấp "Căn cước công dân gắn chíp điện tử", chị Yến cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Đăk Mar lập tức bước vào "chiến dịch thần tốc", cùng nhau "làm hết việc chứ không hết giờ" để phát phiếu thu thập thông tin dân cư, hết mình phục vụ việc nhập liệu lên hệ thống. Ấy thế mà không ngại khó khăn, năm 2021, chị lại một lần nữa xung phong nhận nhiệm vụ tại xã Đăk Pxi - địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà với giao thông đi lại trắc trở, cách trung tâm huyện 25km. Từ khi đến nhận công tác tại địa bàn mới, với phương châm công an phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà thật kỹ, không để một hộ dân nào bị bỏ sót", đồng chí Đại uý Y Yến đã cùng các cán bộ Công an xã Đăk Pxi chẳng kể ngày nắng hay mưa, từ 15h - 22h có mặt ở địa bàn để phát phiếu, sau đó đối chiếu với tài liệu gốc rồi đến công an huyện để nhập lên hệ thống dữ liệu. Ngày làm việc ở trụ sở của họ thường kết thúc vào khoảng 3 - 4h ngày hôm sau.

Nằm lòng công tác dân vận khéo…

Từ Đội Nghiệp vụ về nhận công tác tại địa bàn xã, là lĩnh vực công tác mới nên Đại uý Y Yến dành nhiều thời gian xuống cơ sở để nắm tình hình, nhất là đời sống, sinh hoạt, những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của người dân, tiếp nhận xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự và tệ nạn xã hội ngay tại cơ sở. Đặc biệt, chị thường xuyên phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật như: Luật Phòng, chống ma túy; Luật Giao thông đường bộ; các phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, lừa đảo, trộm cắp… của các loại tội phạm để nhân dân nâng cao cảnh giác; vận động người dân trên địa bàn tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ đó góp phần giữ gìn trật tự xã hội tại địa phương, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Sự gần gũi, thái độ tận tình của đồng chí Yến đã gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa lực lượng Công an xã và Nhân dân trên địa bàn

Mặc dù còn nhiều khó khăn và không ít bỡ ngỡ với nhiệm vụ công tác mới, nhưng với tinh thần chịu thương, chịu khó, tận tụy với công việc, gắn bó mật thiết với nhân dân, chị Yến luôn nhận được sự tin yêu, quý mến của người dân địa phương. Trong công tác tiếp dân, chị luôn giữ thái độ hòa nhã, tận tình hướng dẫn, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bằng trách nhiệm và thái độ tận tình giải quyết công việc, chị luôn được người dân tin tưởng và tín nhiệm.

Một trong những nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt, cứng rắn và hết sức bản lĩnh đó là cảm hóa, giáo dục, gọi hỏi, răn đe đối tượng ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, trước đây thường do các cán bộ nam đảm nhiệm nhưng từ khi nhận công tác, Đại uý Y Yến cũng đã mạnh dạn và chủ động tham gia. Đồng chí Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi cho biết: "Chính nhờ sự khéo léo, mềm mỏng, cùng với bản lĩnh vững vàng, Đại uý Y Yến đã vận động, cảm hóa thành công nhiều đối tượng, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã. Đặc biệt, đồng chí kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã các giải pháp kiềm chế sự gia tăng của người nghiện ma túy, từ đó góp phần giảm số người nghiện ma túy trên địa bàn xã Đăk Pxi thời gian qua...".

Đại uý Y Yến tâm niệm, phải biết đặt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân lên trên. Công an xã Đăk Pxi nói chung và bản thân chị đã xuống cùng với dân, giúp đỡ họ từ những việc nhỏ nhất như chẻ bó lạt, lội ruộng cắt rau, giúp đỡ cụ già, trẻ nhỏ bằng những việc làm thiết thực như tặng họ hộp sữa, bộ quần áo... Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; gia đình có việc hiếu thì cử cán bộ phụ trách địa bàn và chỉ huy đến chia buồn… những việc làm đó của cán bộ, chiến sĩ đã được bà con dần dần ghi nhận. Theo đồng chí Y Yến chia sẻ: "Quá trình làm công tác dân vận khó nhất là có được sự tin yêu của người dân, phải thật sự gần gũi, cư xử với Nhân dân bằng cả tấm lòng chân thành từ những việc làm cụ thể, thiết thực với phương trâm khi Nhân dân cần, thì chúng tôi sẽ có mặt, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa… thì người dân địa phương mới đồng hành, tin tưởng, chia sẻ để lực lượng Công an luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".

Không chỉ vận động Nhân dân phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, đồng chí Yến còn giúp đỡ bà con lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống

Với vai trò Phó Trưởng Công an xã, Đại uý Y Yến trực tiếp cùng các đồng chí Công an viên, phối hợp lực lượng dân quân thường xuyên tuần tra kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn xã. Thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành, chị cùng các anh, em Công an xã thường tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng nhằm góp phần phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã… Những việc làm trên đã giúp cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và người dân thấy được hiệu quả của việc triển khai lực lượng Công an chính quy về xã thông qua những chuyển biến tích cực về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Đăk Pxi, tình hình tội phạm, tai tệ nạn xã hội được kiềm chế, niềm tin, uy tín đối với cấp ủy - chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương được nâng cao.

Trăn trở với việc phát huy vai trò của cán bộ, lãnh đạo chỉ huy người dân tộc thiểu số trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở…

Là một chiến sĩ người dân tộc thiểu số, đồng chí Đại uý Y Yến rất trăn trở với việc phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Chia sẻ với chúng tôi, chị thẳng thắn thừa nhận việc bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số và cán bộ Công an công tác tại địa bàn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống trong Công an nhân dân vẫn còn một số hạn chế như: Một số đồng chí vẫn còn mang nặng tâm lý tự ti cá nhân. Có cán bộ là người dân tộc thiểu số nhưng khả năng giao tiếp, hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc mình còn hạn chế, dẫn đến không phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Kỹ năng xử lý tình huống và tinh thần tự học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực công tác của một số cán bộ chưa cao để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an là người dân tộc thiểu số và cán bộ Công an công tác tại địa bàn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nhằm góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ Công an đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tại các cuộc họp đơn vị, các dịp được tham dự Hội nghị, toạ đàm của cấp trên, chị luôn bày tỏ mong muốn và nguyện vọng của mình liên quan đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Bản thân chị luôn cố gắng động viên anh em cán bộ là người dân tộc thiểu số tại Công an xã nói riêng, Công an huyện Đăk Hà nói chung chủ động tìm tòi, học hỏi, khắc phục khó khăn, mạnh dạn phát huy thế mạnh bản thân trong thực hiện nhiệm vụ.

Với vai trò là người chỉ huy đơn vị, đồng chí Yến luôn chú trọng bồi dưỡng, phát huy vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số trong Công an nhân dân

Gần 20 năm phục vụ trong ngành công an, Đại uý Y Yến rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá cho mình. Chị tâm nguyện, Công an nhân dân phải khắc sâu lời dạy của Bác: "Việc gì tốt cho dân phải cương quyết làm…", "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Chúng tôi rời trụ sở Công an xã Đăk Pxi khi những con đường đã lên đèn, đây là lúc mà người phụ nữ trở về tổ ấm để làm tròn thiên chức của một người mẹ, người vợ trong gia đình, nhưng Đại uý Y Yến luôn về nhà muộn hơn người khác. Vất vả là thế, nhưng niềm đam mê với nghề đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn, sát cánh cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Vẫn biết khó khăn khi nữ chiến sỹ Công an về công tác tại cơ sở, nhưng với truyền thống của phụ nữ Việt Nam "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", Đại uý Y Yến đã khẳng định bản lĩnh, phát huy thế mạnh của nữ Công an khi về cơ sở, sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng nêu cao tinh thần trách nhiệm, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của người nữ cán bộ, chiến sỹ Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại uý Y Yến (ngồi giữa) vinh dự là một trong những gương mặt tham gia giao lưu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì ANTQ" năm 2022 tại Cụm thi đua số 6, Bộ Công an

Trên đường trở về sau chuyến thực tế tại xã Đăk Pxi, lòng tôi bỗng hân hoan một niềm vui khó tả. Một chuyến hành trình không quá dài nhưng đủ để tôi nhìn thấy được sự nỗ lực ngày đêm của những cán bộ Công an tại cơ sở, nhìn thấy sự gắn bó bền chặt và ánh mắt tin tưởng của Nhân dân nơi đây dành cho những người chiến sĩ Công an, nhìn thấy diện mạo một Đăk Pxi xa xôi, khó khăn nhưng đang dần thay đổi với chiều hướng tích cực. Hình ảnh các chiến sỹ Công an nhân dân tại cơ sở với chất thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu, dầm mưa, dãi nắng, vất vả, xuyên đêm, bán chốt, bám địa bàn đã trở thành biểu tượng đẹp "Vì Nhân dân quên mình". Tin tưởng rằng với phẩm chất chính trị và bản lĩnh được kế thừa, hun đúc qua nhiều thế hệ, những chiến sỹ Công an trong thời đại mới sẽ viết tiếp những trang hào hùng của lực lượng, để xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam./.

 


Tác giả: Hải Thanh - Phan Tiên