A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng tình trạng người mắc bệnh tâm thần gây án

Thời gian gần đây, tình trạng người mắc bệnh tâm thần gây án ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hành vi man rợ, nguy hiểm. Nạn nhân chủ yếu là người thân ruột thịt, họ hàng hay hàng xóm xung quanh của họ. Hành động bột phát trong vô thức đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về vấn nạn người tâm thần gây án khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.

C:UsersAdministratorDesktop	ải xuống.jpgBệnh nhân tâm thần cần được đưa đến các cơ sở khám, điều trị bệnh để phòng ngừa, ngăn chặncác hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội

Người mẹ trẻ 33 tuổi cầm dây siết cổ con trai và cháu ruột tử vong vào ngày 20/7/2018 tại Khu đô thị xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội hay người đàn ông bị bệnh tâm thầnThạch Sà Khên (35 tuổi, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) bất ngờ cầm dao bầu và một khúc gỗ dài 50cm truy sát cha đẻ, vợ và con gái vào ngày 24/7/2018 là những vụ án mới nhất về người tâm thần gây án gây rúng động dư luận những ngày qua. Tình trạng người tâm thần gây án không còn xa lạ ở nước ta, gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, đau đớn cho chính thân nhân của họ và xã hội.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể số vụ án mạng do người mắc bệnh tâm thần gây ra trên toàn toàn quốc trong những năm gần đây nhưng ở các địa phương trong cả nước, tình trạng người tâm thần gây án với thủ đoạn man rợ, liều lĩnh xảy ra ngày càng nhiều với hậu quả để lại hết sức nặng nề. Điểm chung giữa các vụ việc là người tâm thần gây án trong trạng thái lên cơn bệnh và nạn nhân phần lớn là người thân hoặc hàng xóm của họ. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, 4 vụ thảm án kinh hoàng do người tâm thần gây ra khiến 9 người chết, 9 người bị thương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm đối với tình trạng này. Bởi lẽ, hành động dã man trong vô thức và có thể gây án bất cứ lúc nào là nỗi lo thường trực không kiểm soát đối với người thân và xã hội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 15% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt… đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó có khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị. Trong các chứng rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động.

Theo các chuyên gia, bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người bình thường 3-4 lần. Các bệnh nhân tâm thần gây án hình sự rất đa dạng nhưng hay gặp hơn cả là nhóm bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy và thường gây ra các hành vi như cố ý gây thương tích, giết người, phá hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng… Đáng chú ý, một bệnh nhân tâm thần khi đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ hai, lần thứ ba nếu bệnh vẫn chưa được điều trị. Hơn nữa, các bệnh tâm thần chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn, do đó bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị và kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội.Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí che giấu việc người thân có biểu hiện hạn chế nhận thức. Chưa kể khi áp dụng các biện pháp bắt buộc đưa người bệnh đến các trung tâm chữa trị, gia đình không đủ kinh phí hoặc cơ quan điều tra giao chính quyền địa phương quản lý trong khi chính quyền địa phương không thể lúc nào cũng có điều kiện theo dõi, điều này dẫn đến việc họ tiếp tục sống trong cộng đồng dân cư khi chưa được chữa trị.

Theo Điều 21, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 49, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Chương XXX, Bộ luật Tổ tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:

– Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21, BLHS năm 2015 thì tùy từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án (Điều 447).

– Khi tiến hành điều tra, nếu thấy tình trạng tâm thần của bị can có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu kết luận giám định kết luận bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực hành vi trước, trong và sau khi phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng có thể giảm nhẹ một phần hình phạt. Khi kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, quyết định. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định. Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.

– Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Căn cứ vào kết luận giám định, Viện kiểm sát có thể đưa ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Truy tố bị can trước tòa. Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện kiểm sát có thể giải quyết vấn đề khác liên quan đến vụ án (Điều 450, Bộ luật TTHS năm 2015).

– Khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Căn cứ vào kết luận giám định, Tòa án có thể đưa ra một trong những quyết định: Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung; Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Đưa vụ án ra xét xử. Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án (Điều 451, Bộ luật TTHS năm 2015).

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan phải có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội.Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám, điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng như thời gian qua.

Cũng theo quy định tại Bộ luật dân sự, khi người bị bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy, kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo quy định của pháp luật dân sự.

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt; 20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí… Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm, chưa nhận thức đúng về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn; đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng; thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu; cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng…Hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án là một vấn đề khá khó khăn bởi lẽhọ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào.Chính vì vậy, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội nhằm phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần, ngăn chặn tình trạng phạm tội ở người tâm thần là mục tiêu quan trọng cần được quan tâm triển khai thực hiện với những giải pháp trọng tâm sau:

– Đối với các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần:Các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị, không nên giấu bệnh nhân ở nhà hoặc tìm đến các thầy cúng, thầy bói. Càng sớm điều trị người bệnh càng chóng ổn định và tránh được những hậu quả đáng tiếc. Khi người tâm thần gặp khó khăn trong cuộc sống thì nên nhờ cộng đồng xung quanh và chính quyền địa phương giúp đỡ. Khi người bệnh ra viện nên tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị và đưa bệnh nhân đi tái khám đúng hẹn.Thường xuyên quan tâm, theo dõi hành vi, cử chỉ, biểu hiện của người tâm thần, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để ngăn chặn hành vi tiêu cực, tránhnhững hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

– Đối với chính quyền địa phương: Rà soát, nắm danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần tại địa phương, đưa hoặc đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn chonhững người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống nguy hiểm.Quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng. Các địa phương đã có cơ sở chuyên biệt điều trị tâm thần cần quan tâm đầu tư, cải tiến cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ khám, chữa bệnh. Những địa phương chưa có cơ sở điều trị chuyên biệt cần phối hợp, hướng dẫn gia đình đưa bệnh nhân đến những địa phương lân cận có cơ sở điều trị để họ được điều trị đúng cách.

– Đối với các cơ quan chức năng: Các cơ quan chức năng khi nhận được phản ánh từ nhân dân về trường hợp người bệnh tâm thần cần có những biện pháp tích cực, phối hợp tổ chức kịp thời đưa người bệnh vào các trung tâm thích hợp để điều trị.Phối hợp với gia đình người bệnh siết chặt quản lý, coi trọng công tác điều trị cho người mắc bệnh tâm thần để những hậu quả đau lòng vô cớ không thể xảy ra./.

Khánh Vi