A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước

Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước.

Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 26/2023/QH15). Luật Căn cước năm 2023 có 07 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Trong đó, Luật Căn cước giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung để đảm bảo cho công tác tổ chức thực hiện. Từ những căn cứ nêu trên và để tạo cơ sở pháp lý thống nhất tổ chức thi hành Luật Căn cước năm 2023 thì việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành một số điều của Luật Căn cước là cần thiết.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước (nguồn ảnh: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/)

Mục đích xây dựng Nghị định nhằm thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về căn cước và các quy định của Luật Căn cước năm 2023; quy định chi tiết, đầy đủ những nội dung Luật Căn cước năm 2023 đã giao cho Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo, không mâu thuẫn và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 03 chương, 38 Điều, cụ thể như sau: Chương I: Những quy định chung, gồm 02 Điều (Điều 1 và Điều 2); Chương II: Quy định cụ thể, gồm 34 Điều (từ Điều 3 đến Điều 36); Chương III: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 37 và Điều 38).

Quá trình xây dựng, dự thảo Nghị định đã được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung đã được Luật Căn cước năm 2023 giao Chính phủ quy định chi tiết và theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an các đơn vị, địa phương và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Thời gian lấy ý kiến được thực hiện từ ngày 05/01/2024 đến hết ngày 05/03/2024.

Tham gia góp ý dự thảo Nghị định tại đây./.

 

 


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan