A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu cuối cùng của nông thôn mới là phải cải thiện đời sống vật chất cho người dân, đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, phong phú hơn, bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy…

D:TTĐTanhmoiND tp kon tum lam duong giao thong nong thon moi.jpg

Nhân dân thành phố Kon Tum làm đường giao thông nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thống nhất, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/6/2016 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 chính sách hỗ trợ lãi suất tại các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 09/11/2016 thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, 10/10 huyện, thành phố đã triển khai kiện toàn hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, 86/86 xã bố trí cán bộ đang làm công tác như thống kê, nông nghiệp-xây dựng, tài nguyên, văn phòng để kiêm nhiệm công tác xây dựng nông thôn mới…

Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 21 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 44 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn 03 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 10,2 tiêu chí nông thôn mới/xã.

Hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất người dân. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã khuyến khích, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 23 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 26,74%), 73 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 84,88%), 30 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 34,88%), 58 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt 67,44%)…

Đẩy mạnh thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất của CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong năm, đã phát triển được số mô hình sản xuất tiêu biểu như: Mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng; mô hình phát triển cây dược liệu… Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã có 19,77% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 24,42% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 90,7% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm.

Công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng, các thôn, làng đã đưa nội dung bảo vệ môi trường ở khu dân cư vào hương ước, quy ước của thôn, một số địa phương đã thành lập các tổ thu gom rác thải, vận động các hộ gia đình đào hố rác vệ sinh, xây dựng các thùng rác đựng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng… Kết quả đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 86,5%, 29,07% số xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

Quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, thông, chú trọng triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó đã góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 48 xã đạt tiêu chí về văn hóa (đạt 55,81%).

Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn các xã tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra tình huống đột biến, bất ngờ; tệ nạn xã hội cơ bản đã giảm xuống, đời sống nhân dân được ổn định. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân, nhất là đối với cán bộ chủ chốt về vị trí, vai trò xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới được tăng cường; thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ xã. Qua đó, không ngừng nâng cao ý thức quốc phòng, nhận rõ quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 66 xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh (đạt 6,74%).

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG về nông thôn, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Điều kiện địa hình khu vực nông thôn của tỉnh không thuận lợi, toàn tỉnh có 55/86 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã biên giới, 02 huyện nghèo (Tu Mơ Rông, Konplong), 01 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (Ia H’Drai) do đó nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo là rất lớn, tuy nhiên việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách đầu tư trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; tình hình giá cả thị trường có nhiều biến động bất lợi, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân cũng như việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập, môi trường… vì vậy kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa cao.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông, công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong Nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và xã hội trong triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã thông qua chương trình công tác của Ban Chỉ đạo các CTMTQG các cấp nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ba là, thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án thành phần thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn thông qua triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Bốn là, các cơ quan chủ trì thực hiện CTMTQG, dự án thành phần thuộc Chương trình và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong năm 2018 và giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn và triển khai đánh giá tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn theo thời gian quy định; tăng cường công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ Chương trình.

Thái Ngân