A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số điểm mới về công tác điều tra hình sự trong CAND

Ngày 07/7/2014, Bộ Công an đã ban hành thông tư số 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân, có hiệu lực từ 25/8/2014. Thông tư được chia làm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2014 và thay thế những quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động điều tra hình sự trong Công an nhân dân trái với thông tư này. Đây là Thông tư được đánh giá là một trong các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chi tiết, cụ thể. Bên cạnh việc quy định chi tiết thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hoạt động điều tra của thủ trưởng, phó thủ trưởng các CQĐT, điều tra viên, cán bộ điều tra… Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về phân công, phân cấp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan điều tra các cấp (sự thay đổi chủ yếu tập trung vào Công an cấp tỉnh và cấp huyện); Đáng chú ý, Thông tư quy định những việc điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm một cách rõ ràng, chi tiết hơn hẳn các văn bản pháp luật trước đó. Cụ thể:


alt

Ảnh minh hoạ: CBCS Công an Kon Tum đang tiến hành hoạt động điều tra

 

+ Có trách nhiệm giữ bí mật, không để lộ, lọt bí mật đìều tra; chỉ tiết lộ thông tin về vụ án khi có sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng CQĐT (được quy định tại Điều 30);

+ Theo Điều 31 của thông tư, ngoài những việc cấm tại Điều 33 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 (tư vấn, can thiệp, lợi dụng ảnh hưởng để làm cho việc giải quyết án không đúng pháp luật…), điều tra viên, cán bộ điều tra trước, trong và sau quá trình điều tra phải tuân thủ quy định: không được tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và đơn, thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được phân công;

+ Không được tiếp thân nhân của bị can, người bị tạm giữ hoặc những người khác có liên quan ở bất cứ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT;

+ Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào;

+ Theo Thông tư, khi triệu tập, hỏi cung bị can tại ngoại, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người liên quan đến vụ án thì phải có giấy triệu tập. Những người bị triệu tập trên phải thuộc danh sách, kế hoạch đã được thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT duyệt. Giấy triệu tập gửi đến các đương sự cũng phải ghi đầy đủ các nội dung về việc triệu tập, tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập.

Điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan Công an hoặc UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ. Trường hợp điều tra viên cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ngoài trụ sở công an, UBND xã phường hoặc cơ quan của họ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT (quy định tại điều 35).

+ Và tại điều 38 của Thông tư, quy định Điều tra viên được quyền lập biên bản, báo cáo Thủ trưởng/ Phó thủ trưởng CQĐT khi phát hiện luật sư/ trợ giúp viên pháp lý xúi giục người khác khai báo gian dối, tiết lộ bí mật, khiếu nại không có căn cứ…

Đây là một văn bản có ý nghĩa quan trọng đối với công tác điều tra của các đơn vị trong Công an nhân dân./. 

                  

Nguyễn Thị Bích Liên (CAH Đăk Hà)