A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống cháy nổ

 

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ cháy nổ lớn xảy ra trên địa bàn cả nước gây nhiều hoang mang trong quần chúng nhân dân với những hậu quả để lại vô cùng lớn cả về người và tài sản. Mặc dù công tác PCCC luôn được quan tâm chú trọng nhưng ý thức và kỹ năng phòng, chống cháy nổ của người dân nói chung hiện vẫn còn những khiếm khuyết cần khắc phục.

Ngày 23/3/2018, vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại Chung cư Carina Plaza, Phường 16, Quận 8, TP.Hồ Chí Minh đã cướp đi sinh mạng của 13 người dân và thiêu rụi nhiều tài sản. Vụ cháy thương tâm đã gây bàng hoàng trong dư luận cả nước và để lại nhiều bài học đắt giá về công tác PCCC tại các khu chung cư.Tiếp đó,khoảng 14 giờ chiều 31/3/2018, tại chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại một gian hàng, sau đó nhanh chóng lan rộng và thiêu rụi nhiều hàng hóa, tài sản của tiểu thương.Có thể thấy, đây là hai trong số rất nhiều những vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian gần đây.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, theo thống kê của các đơn vị chức năng,trong năm 2017 đã xảy ra 14 vụ cháy, nổ (giảm 27 vụ so với năm 2016); tuy nhiên chỉ trongQuý I/2018, tình trạng cháy nổ đã tăng vọt lên con số 15 vụ với nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống điện, sơ suất trong sử dụng lửa, sự cố kỹ thuật trong quá trình sản xuất… gây thiệt hại về tài sản lên đến 2.041.000.000 đồng. Đáng lưu ý, trong vụ cháy tại cửa hàng điện máy Mỹ Dung, số 30 Lê Hồng Phong, TP.Kon Tum vào tối ngày 13/2/2018, do nhà khóa cửa ngoài, vụ việc không được phát hiện sớm nên lửa cháy lan sang nhiều nhà bên cạnh, hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết và đồ dùng sinh hoạt trong nhà có giá trị hàng tỷ đồng của người dân cũng bị thiêu rụi. Như vậy, rõ ràng tình trạng cháy nổ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng cao, nhất là khi mùa hè đang tới, nhiệt độ thời tiết tăng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC; tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; làm tốt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn PCCC đối với các công trình xây dựng; thực hiện việc cấp giấy xác nhận PCCC, giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy nổ theo đúng quy định. Chỉ tính riêng trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho các tiểu thương kinh doanh tại 07 chợ trên địa bàn tỉnh với 607 người tham gia; tổ chức tuyên truyền lưu động nhân ngày “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy – 04/10”; tổ chức 16 lớp huấn luyện về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cơ sở trên địa bàn tỉnh với 826 người tham gia. Thẩm duyệt và cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC 49 công trình, kiểm nghiệm, nghiệm thu về PCCC 22 công trình, tham gia góp ý về PCCC 18 công trình. Kiểm tra, xác nhận PCCC 44 phương tiện giao thông, cấp 12 giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy nổ. Đối với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, các lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch và tăng cường đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở người dân sắp xếp hàng hóa có khoảng cách an toàn, xa các vật liệu dễ cháy; nghiêm cấm sử dụng lửa trần trong khu vực buôn bán, đặc biệt là khu vực chợ; kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng quá tải, nghẽn mạch.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có những nỗ lực nhất định song ý thức của người dân trong phòng chống cháy nổ ở một số nơi còn chưa cao. Tình trạng người dân không biết sử dụng bình cứu hỏa, lơ là với các buổi tập huấn kỹ năng PCCC, thiếu cảnh giác trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trang bị công cụ, phương tiện PCCC sơ sài còn diễn ra khá phổ biến. Năm 2017, qua tổ chức kiểm tra PCCC đối với 1.020 lượt cơ sở, các lực lượng chức năng đã phát hiện 2.086 tồn tại, 1.548 thiếu sót và đã kiến nghị, hướng dẫn khắc phục, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 44 cơ sở.

Để hạn chế đến mức thấp các vụ cháy nổ cũng như thiệt hại do cháynổ gây ra, thời gian tới, các lực lượng chức năng cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra hệ thống PCCC của các cơ sở kinh doanh, sản xuất, khu dân cư… trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời khắc phục những thiếu sót, nhắc nhở, hướng dẫn việc trang bị, thay mới các công cụ phòng cháy an toàn, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống cháy nổ, chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy;khuyến cáo người dân không nên thắp nhang thờ cúng quá nhiều, dễ gây ngọn lửa trần, không đốt vàng mã ở những nơi không có khoảng cách đảm bảo an toàn, dễ gây cháy lan; việc đun nấu phải cẩn thận, trước khi ra khỏi nhà phải tắt các nguồn điện, các hệ thống điện phải có aptomat hay cầu dao để ngăn ngừa các sự cố quá tải về điện như chập mạch, nghẽn mạch gây nổ… Hướng dẫn cách thức để mỗi người dân có thể tự chữa cháy, kĩ năng sử dụng bình cứu hỏa, kĩ năng chống hít phải khói độc, chống ngạt khi có cháy nổ xảy ra. Cùng với đó, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, tích cực tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năngPCCC để có thể tự bảo vệ mình trước những hiểm họa khôn lường của “thần lửa”.


Khánh Vi