A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên lĩnh vực ngân hàng

 

Bảo vệ Bí mật Nhà nước (BMNN) là một nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), liên quan đến sự tồn tại và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các thế lực thù địch và các đối tượng phạm tội luôn tìm cách thu thập, khai thác BMNN nhằm gây nguy hại cho đất nước. Bảo vệ BMNN là quy luật tất yếu cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, mỗi cơ quan, tổ chức. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ ANQG và được Đảng, Nhà nước ta quan tâm.

Trong thời gian qua, Phòng An Ninh kinh tế – Công an tỉnh KonTum đã phối hợp với Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ BMNN; đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo vệ Bí mật Nhà nước đến toàn thể cán bộ nhân viên trong ngân hàng, cụ thể qua Pháp lệnh và một số văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ BMNN, ngoài các văn bản trên còn có các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ bí mật của ngành Ngân hàng như: Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành ngân hàng; Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA(A11) về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành ngân hàng; Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật Nhà nước trong ngành Ngân hàng;… các quy định về xử lý cán bộ công chức, viên chức, đảng viên vi phạm về bảo vệ BMNN.

 

Đ/c Võ Chí Cường – Phó trưởng phòng PA81 Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo vệ BMNN tại Ngân hàng nhà nước tỉnh Kon Tum


Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ BMNN trong tình hình mới, mỗi cơ quan đơn vị cần quán triệt thực hiện tốt chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 21/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 17/6/2014 của UBND tỉnh Kon Tum, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác và chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị thông qua các cuộc họp, hội nghị; xây dựng và hoàn thiện Quy chế bảo vệ BMNN; tổ chức tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị, trình độ, năng lực, nhất là số cán bộ làm việc tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật hoặc có điều kiện tiếp xúc BMNN; chú trọng công tác bảo vệ BMNN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, lĩnh vực báo chí và xuất bản, trong quan hệ, làm việc với tổ chức, cá nhân, trang bị máy tính riêng để soạn thảo, lưu trữ, thống kê các văn bản mật và các loại dấu theo quy định, phải có quyết định phân công cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại đơn vị; tổ chức cho cán bộ làm cam kết bảo vệ bí mật; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ BMNN tại đơn vị theo đúng trình tự, thủ tục.; thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng và khai thác hồ sơ, tài liệu mang BMNN đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ BMNN nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, chủ động phòng ngừa các vụ lộ, lọt BMNN; rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng làm công tác bảo vệ BMNN đủ sức thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.


Bích Phượng